'Điểm mặt' nhóm cổ phiếu có thể bị hủy niêm yết do thua lỗ liên tiếp

Năm 2023 được đánh giá sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành kinh doanh. Theo đó, đối với những đơn vị thua lỗ liên tiếp nhiều năm rất có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN). Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa có văn bản về việc lưu ý khả năng hủy niêm yết đối với cổ phiếu HVN.

'Điểm mặt' nhóm cổ phiếu có thể bị hủy niêm yết do thua lỗ liên tiếp - Ảnh 1

Cả năm 2022, tổng doanh thu của HVN đạt hơn 70.500 tỷ đồng. Con số này tương đương trên 70% mức trước dịch năm 2019 và lớn hơn cả 2 năm 2020, 2021 gộp lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lỗ ròng 10.369 tỷ đồng. Con số này đã giảm khoảng 3.000 tỷ đồng so với năm 2021 và thấp hơn so với kế hoạch đề ra hồi giữa năm.

Lũy kế đến hết 31/12/2022, HVN ghi nhận khoảng lỗ gần 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ âm khoảng 10.200 tỷ, trong khi đầu năm vẫn dương trên 500 tỷ.

Được biết đây cũng không phải lần đầu tiên HOSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Trước đó tháng 9/2022, HoSE cũng có văn bản gửi tới Vietnam Airlines với lý do tương tự khi doanh nghiệp thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo soát xét giữa năm.

Nếu không có thay đổi quan trọng nào trong báo cáo tài chính năm 2022 có kiểm toán sắp tới, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị buộc phải rời sàn HoSE.

Với việc tiếp tục năm thứ ba kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu SII của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn cũng vừa nhận thông báo từ HoSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu. Như vậy trong trường hợp báo cáo tài chính kiểm toán tiếp tục có kết quả kinh doanh thua lỗ như báo cáo tài chính tự lập đã công bố, SII sẽ rời sàn HoSE.

Được biết hoạt động cung cấp nước sạch và tư vấn thi công, cung cấp, lắp đặt các thiết bị xử lý môi trường là hai mảng kinh doanh mang về nguồn thu chính cho Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn. Đây cũng là lĩnh vực thiết yếu và được hưởng lợi từ đợt tăng giá nước sinh hoạt hồi đầu năm 2022, tuy nhiên doanh thu thuần cả năm của Công ty lại chỉ tăng gần 11% so với năm trước và chưa đủ bù đắp giá vốn kinh doanh.

Trước thực tế này, đại diện SII cho biết, các chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định trong những năm đầu dự án vẫn còn cao, dù đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp chưa thực hiện được, không góp thêm được các khoản thu nhập tài chính cho Công ty.

Kết quả, SII lỗ ròng hợp nhất hơn 86 tỷ đồng trong năm 2022. Đến cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất giảm còn gần 59 tỷ đồng, nhưng riêng công ty mẹ đã lỗ lũy kế gần 29 tỷ đồng.

Công ty CP Năng Lượng và Bất động sản MCG (HOSE: MCG) cũng là trong những đơn vị có khả năng bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu kết quả kinh doanh là số âm tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022.

Cụ thể trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV tự lập, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 là âm 84 tỷ đồng. Trong khi 2 năm trước đó là năm 2020 MCG cũng đã lỗ ròng 9 tỷ và năm 2021 lỗ ròng 37 tỷ đồng.

Sau 3 năm dịch COVID-19, doanh thu vận tải phục hồi đã giúp Công ty CP Hoàng Hà (HNX: HHG) giảm lỗ. Năm 2022, HHG báo lỗ gần 57,7 tỷ đồng. Các năm trước (2020 - 2021) HHG lỗ lần lượt là 66 tỷ đồng và 69 tỷ đồng.

Cũng nằm trong danh sách có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc, Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (HNX: KVC) đã nỗ lực trong việc giảm lỗ suốt năm 2022 song vẫn còn lỗ 12 tỷ đồng. Mức lỗ này nhỏ hơn so với năm 2021.

Ngoài ra có 4 cổ phiếu đang trong diện bị kiểm soát cũng đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết đó là: Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An (HoiAntourist, HOSE: HOT); Công ty CP Cơ khí Lắp máy Lilama (HNX: L35); công ty CP Xây dựng và Phát triển Đô thị Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (HOSE: UDC) và Công ty CP Lilama 7 (HNX: LM7).

Như vậy, sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 mà các doanh nghiệp nêu trên vẫn cho kết quả thua lỗ như báo cáo tự lập, những đơn vị này sẽ buộc phải hủy niêm yết theo quy định.

Anh Nga

sohuutritue.net.vn