Điểm những ngân hàng mạnh tay chi nghìn tỷ tiền mặt trả cổ tức
Nhiều ngân hàng trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao, làm ấm lòng cổ đông. Song theo các chuyên gia, việc chia cổ tức tiền mặt cao cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhiều ngân hàng "mạnh tay" trả cổ tức tiền mặt
2025 là một năm đáng chú ý với cổ đông các ngân hàng ở Việt Nam khi hàng loạt nhà băng công bố kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, dao động từ 7-25%.
Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) vừa có nghị quyết về việc triển khai kế hoạch chi trả cổ tức năm 2024 bằng tiền theo phương án đã được ĐHĐCĐ năm 2025 thông qua.
Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 20/5. Ngày thanh toán là 28/5. Tỷ lệ thực hiện 25%, tức 1 cổ phiếu sẽ được nhận 2.500 đồng. Tổng số tiền mà LPBank chi trả cổ tức trong đợt này là 7.468 tỷ đồng.
Tính đến nay, LPBank là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt cao nhất thị trường. Đây cũng là lần đầu tiên LPBank trả cổ tức bằng tiền mặt sau hơn 7 năm.
Hai ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức trong tháng 5 này.
Cụ thể, ngày 14/5 và ngày 16/5 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông 2 ngân hàng này hưởng quyền, ngày thanh toán đều vào ngày 23/5. Tỷ lệ chia của TPBank là 10% và của VPBank là 5%.

Với tỷ lệ 10%/mệnh giá , dự kiến TPBank sẽ chi 2.642 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Còn với tỷ lệ chi trả là 5%/mệnh giá, số tiền mà VPBank dự kiến dùng để chia cổ tức là 3.967 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/4 để trả cổ tức tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 7%. Thời gian thực hiện vào 23/5. VIB dự kiến chi 2.085 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ thực hiện 10%. Với gần 7,065 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Techcombank dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt là gần 7.065 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ 2025, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, ACB dự kiến chi khoảng 4.466 tỷ đồng để chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.
Cũng tại ĐHĐCĐ năm nay, cổ đông Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã thông qua phương án sử dụng 21.556 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với tổng tỷ lệ 35%, bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, MB sẽ dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3%.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây công bố kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2025. Ngân hàng này dự kiến dành hơn 1.726 tỷ đồng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%. Đây là lần đầu tiên OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Năm 2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến dùng 7.317 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, tỷ lệ chia tiền mặt là 5%, tương ứng với số tiền là 2.033 tỷ đồng.
Như vậy, đến nay, đã có 9 nhà băng có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt trong năm 2025 với tổng số tiền hơn 33.000 tỷ đòng. Đây là số tiền trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất từ trước đến nay của các ngân hàng Việt Nam.
Năm ngoái, có 9 ngân hàng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông là: VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Eximbank, Techcombank, SHB, TPBank, với tổng số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng. Năm 2023, có 6 ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt tổng cộng 23.000 tỷ đồng.
Cân nhắc khi trả cổ tức tiền mặt cao
Bên cạnh các kế hoạch chi hàng nghìn tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ngân hàng triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao, từ 15 - 49,5%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhằm tăng vốn điều lệ.

Cổ tức ngân hàng đang trở thành phép thử cho tư duy điều hành và khả năng cân đối giữa lợi ích cổ đông và mục tiêu tăng trưởng dài hạn. Khi một số ngân hàng mạnh tay chi tiền mặt để giữ chân cổ đông ngắn hạn thì nhiều nhà băng khác lựa chọn phương án chia cổ phiếu và giữ lại lợi nhuận nhằm chuẩn bị cho các chu kỳ tăng vốn, phát hành riêng lẻ và nới room ngoại trong tương lai.
Song phương án nào cũng có 2 mặt. Theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, trả cổ tức bằng tiền mặt mang lại cảm giác chắc chắn cho cổ đông khi tìm kiếm lợi nhuận trong đầu tư cổ phiếu.
Còn việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và tăng khả năng mở rộng tín dụng, đáp ứng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đối với cổ đông, đây là cơ hội sở hữu thêm cổ phiếu mà không phải bỏ thêm vốn đầu tư, đồng thời hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngân hàng.
Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Có thể thấy, các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt là những ngân hàng có nền tảng vốn lớn và được xếp hạng cao về hệ số an toàn vốn. Đây được xem là tín hiệu tích cực về sức khỏe tài chính và sự tự tin vào triển vọng lợi nhuận trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này phản ánh sự tự tin của các ngân hàng vào năng lực tài chính và triển vọng kinh doanh.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, việc chia cổ tức tiền mặt cao cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đẩy mạnh đầu tư số hóa, chuẩn hóa quản trị và đáp ứng Basel III.
PGS.TS Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cảnh báo rằng các ngân hàng cần cân nhắc kỹ lưỡng để không làm suy yếu năng lực tài chính dài hạn khi chi trả cổ tức quá cao.
TS. Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh rằng cổ tức tiền mặt là cách ngân hàng chứng minh khả năng sinh lời, nhưng cần đi đôi với chiến lược tăng trưởng bền vững để tránh rủi ro về vốn.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Đoàn Minh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu đầu tư Công ty FIDT, lưu ý rằng nếu các ngân hàng chia cổ tức quá lớn bằng tiền mặt trong khi không có kế hoạch tăng vốn rõ ràng, khả năng tăng trưởng lợi nhuận và chỉ số P/B trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng nên tiếp tục có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu xen kẽ cùng tiền mặt để tăng khả năng đáp ứng vốn cũng như năng lực tài chính.