Điều bất ngờ tại ĐHCĐ bất thường của Vận tải biển VINASHIP
Tại ĐHCĐ bất thường, Công ty Vận tải biển VINASHIP có cổ đông lớn là Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng Công Thương Việt Nam. Đáng chú ý, loạt tờ trình thông qua tại kỳ họp có thời gian công bố rất gấp gáp.
Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương thành cổ đông lớn
Ngày 19/9/2024, Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam mới mua thành công 5 triệu CP của Công ty cổ phần Vận tải biển VINASHIP (mã chứng khoán: VNA).
Được biết, 5 triệu cổ phiếu VNA được giao dịch với giá trị giao dịch là 85 tỷ đồng, tương đương khoảng 17.000 đồng/cp, trong khi giá bình quân phiên giao dịch ngày 19/9/2024 là 20.900 đồng/cp.
Sau khi mua bán thành công, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch của Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tại VINASHIP: 14,71%.
Sát giờ ĐHCĐ, 3 tờ trình quan trọng mới được tiết lộ
Trước đó, ngày 9/8/2024, Công ty vận tải biển VINASHIP công bố thông tin mời họp ĐHCĐ bất thường dự kiến diễn ra ngày 26/9/2024. Đến ngày 19/8/2024, Công ty VINASHIP công bố thông tin về thời gian địa điểm tổ chức bất thường là ngày 24/9/2024.
Tuy nhiên, tài liệu họp được công bố lúc 09:58 ngày 24/09/2024 trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và chưa có trên website Công ty.
Được biết, tài liệu họp ĐHCĐ với 3 tờ trình quan trọng là sửa điều lệ, ngành nghề kinh doanh, tờ trình ý kiến cổ đông chấp thuận 11 cổ đông bán cổ phiếu không qua chào mua công khai và tờ trình mua tàu cũ.
Cụ thể, Công ty công bố thông tin về dự án đầu tư tàu biển chở hàng khô trọng tải từ 28.000-32.000 DWT, năm đóng từ 2009-2013, tổng mức đầu tư dự kiến 305,5 tỷ đồng. VINASHIP dự kiến vay khoảng 151,8 tỷ trong thời gian 7 năm.
Được biết, VINASHIP hiện đang sở hữu 5 tàu với độ tuổi bình quân trên 20 năm, trong đó 2 tàu 28 tuổi, 1 tàu 26 tuổi, 1 tàu 21 tuổi, 1 tàu đóng 16 tuổi.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông bất thường công ty dự kiến tăng vốn điều lệ đạt 339,99 tỷ đồng và sửa ngành nghề kinh doanh và quy chế hoạt động của Công ty.
VINASHIP cũng trình ĐHCĐ cho phép 11 cổ đông sở hữu 11.141.590 cp, tỷ lệ cổ phần quyền biểu quyết là 32,77% được phép chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Container Việt Nam (VSC) được nhận chuyển nhượng cổ phiếu không qua công khai.
Tuy nhiên, kết quả Đại hội đồng cổ đông bất thường chưa được công ty công bố.
Lợi nhuận sau thuế TNDN tăng 20 lần nhờ thanh lý tàu
Về hoạt động kinh doanh bán niên 2024, VINASHIP ghi nhận doanh thu đạt 304 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận gộp đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, trong kỳ VINASHIP ghi nhận thu nhập khác khoảng 33,3 tỷ đồng. Được biết, đây là thu nhập từ việc thanh lý tài sản đảm bảo là tàu của Công ty.
Theo đó, kết thúc bán niên, VINASHIP ghi nhận lợi nhuận sau thuế TNDN đạt 27,8 tỷ đồng, tăng 20,5 lần.
Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 1.392 đồng/cp.
Được biết, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship có vốn điều lệ tại 30/6/2024 là 200 tỷ đồng, tổng số nhân viên là 477 người. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là vận tải biển.
Tổng giám đốc Vinaship là ông Dương Anh Tú.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9/2024, mã chứng khoán VNA có giá giao dịch là 23.800 đồng/cp.
Khoản 3 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC
3. Công bố thông tin về họp Đại hội đồng cổ đông bất thường hoặc thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản
a) Việc công bố thông tin về họp Đại hội đồng cổ đông bất thường thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư này;
b) Trường hợp lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản tối thiểu 10 ngày trước thời hạn phải gửi lại phiếu lấy ý kiến nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn khác dài hơn, công ty đại chúng phải công bố trên trang thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi cho tất cả các cổ đông phiếu lấy ý kiến, dự thảo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông và các tài liệu giải trình dự thảo nghị quyết.
Khoản 3 Điều 10 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định:
3. Công bố thông tin về họp Đại hội đồng cổ đông thường niên
a) Tối thiểu 21 ngày trước ngày khai mạc họp Đại hội đồng cổ đông nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn dài hơn, công ty đại chúng phải công bố trên trang thông tin điện tử của công ty và của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán (trường hợp là tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch) về việc họp Đại hội đồng cổ đông, trong đó nêu rõ đường dẫn đến toàn bộ tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông, bao gồm: thông báo mời họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp.
Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông phải được cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung (nếu có);