Đỉnh nợ xấu đã ở rất gần?
Điểm sáng đến từ chất lượng tài sản toàn ngành được duy trì tương đối ổn định trong quý III/2024 so với quý liền trước. Điều này củng cố quan điểm cho rằng đỉnh nợ xấu đã ở gần.
Bức tranh có sự phân hoá
Báo cáo tài chính của Vietcombank cho biết, chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì ổn định với tỷ lệ nợ nhóm 2 chỉ 0,3% và tỷ lệ nợ xấu ở 1,2%, gần như đều đi ngang so với quý trước. Nhờ đó, Vietcombank chỉ thực hiện trích lập không đáng kể trong quý III với 200 tỷ đồng chi phí dự phòng cho vay khách hàng và gần như không xóa nợ. Đáng chú ý rằng trong quý II, ngân hàng đã trích lập tương đối mạnh tay với gần 5,5 nghìn tỷ đồng (và được bù lại bằng việc hoàn nhập dự phòng liên ngân hàng). Lũy kế 9 tháng năm 2024, chi phí dự phòng của Vietcombank đạt 3,3 nghìn tỷ đồng (giảm 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái).
Câu chuyện cũng tương tự tại VietinBank với chất lượng tài sản tiếp tục được củng cố khi tỷ lệ nợ nhóm 2 đi ngang ở 1,4% còn tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,4% (giảm 12 điểm cơ bản so với quý trước). VietinBank cũng chỉ xử lý khoảng 1,8 nghìn tỷ nợ xấu trong quý, giúp cho tỷ lệ hình thành nợ xấu gần như là 0%. Dù vậy, ngân hàng vẫn thận trọng trích lập gần 9,3 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng trong quý III (tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái) nhằm đưa bộ đệm bao phủ nợ xấu lên lại mức 153%, nằm trong nhóm cao toàn ngành. Lũy kế 9 tháng năm 2024, chi phí dự phòng đạt 25,1 nghìn tỷ (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Nợ xấu ACB gần như đi ngang so với quý trước, ở mức 1,5%, và tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,6%. Còn ở VPBank, cả tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 hợp nhất đều giảm lần lượt xuống 4,8% (giảm 27 điểm cơ bản so với quý trước) và 7,1% (giảm 77 điểm cơ bản so với quý trước). Tại HDBank, chất lượng tài sản cũng có xu hướng cải thiện với tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm xuống 1,9%, đánh dấu quý giảm thứ 2 liên tiếp.
Có sự khác biệt nhẹ là BIDV khi tính đến cuối tháng 9, cả tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu của ngân hàng đều nhích nhẹ lên lần lượt 1,7% (tăng 8 điểm cơ bản so với quý trước) và 1,7% (tăng 19 điểm cơ bản so với quý trước). Báo cáo tài chính của BIDV cho biết các lĩnh vực ghi nhận nợ xấu cao nhất hiện là xây dựng (khoảng 2%) cũng như nhóm bán lẻ, dịch vụ. Tỷ lệ hình thành nợ xấu trong quý III còn duy trì ở mức cao, đạt 0,4%. Theo đó, bộ đệm bao phủ nợ xấu giảm nhẹ xuống 116% tại cuối quý III khi BIDV giảm chi phí trích lập. Lũy kế 9 tháng năm 2024, chi phí dự phòng của ngân hàng đạt 14,2 nghìn tỷ (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái), tương đương 67% dự báo.
Tại VIB, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng lên 2,67%, trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm xuống 3,65% từ mức 4,45% của quý II. Trong quý III, chi phí dự phòng của VIB tăng nhẹ so với quý trước và đạt 1.156 tỷ đồng. Hay như tại MB, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu gia tăng trở lại ở ngân hàng mẹ, lần lượt tăng lên 1,3% (tăng 12 điểm cơ bản so với quý trước) và 2,1% (tăng 64 điểm cơ bản so với quý trước) và là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ nợ quá hạn hợp nhất gia tăng.
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Hoài Ân, CFA Founder IFSS, chuyên gia đào tạo và tư vấn hoạt động ngân hàng, Công ty Cổ phần Giải pháp tài chính tích hợp, nhận định: trong quý III/2024, nợ xấu của hệ thống ngân hàng không còn tăng mạnh như các quý trước, với tỷ lệ nợ xấu ổn định ở mức 2,26% so với mức 2,24% của quý trước. Điều này phản ánh hiệu quả của các chính sách khơi thông tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, giúp kìm hãm tốc độ gia tăng nợ xấu. “Tuy nhiên, mức nợ xấu này vẫn cao hơn đáng kể so với trung bình 1,6% của giai đoạn 2017 – 2022”, ông Ân khuyến cáo.
Tạm trì hoãn
Bức tranh nợ xấu qua báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, diễn biến tỷ lệ nợ xấu của ngành không còn tăng đột biến như đầu năm, sự phân hóa tỷ lệ nợ xấu cho thấy những vấn đề riêng của từng ngân hàng.
Tuy nhiên, dựa trên những biến động trong quý III vừa rồi, ông Lê Hoài Ân dự báo, nợ xấu ngành ngân hàng có thể sẽ giảm nhẹ trong quý IV tiếp theo khi mà trong cuối năm, giải ngân tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh, các doanh nghiệp vẫn có thể tái cơ cấu nợ. Dẫu vậy, nợ xấu chỉ đang tạm thời được trì hoãn, sau khi Thông tư 06 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay, nếu tình hình kinh tế vẫn khó khăn, thì nợ xấu tiềm ẩn và nợ xấu phát sinh từ các khoản tín dụng mới giải ngân trong năm sẽ mang đến rủi ro khó lường.
Ông Ân nói: “Thêm vào đó, sự gia tăng tín dụng cho các doanh nghiệp lớn mang lại nhiều lợi ích ngắn hạn nhưng tác động của nhóm này lên nợ xấu chắc chắn sẽ lớn hơn”.
Trong diễn biến có liên quan, trước những quan điểm cho rằng tăng trưởng tín dụng chậm thời gian qua khiến nợ xấu có xu hướng tăng và điều này tác động không nhỏ đến bức tranh nợ xấu thời điểm cuối năm, ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc - Chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating cho biết: “Thị trường đang đề cập nhiều đến vấn đề tín dụng tăng đột biến vào thời điểm cuối quý II hay quý III nhưng nếu nhìn lại năm 2023, chúng ta cũng sẽ thấy có sự tăng đột biến như vậy. Điều chỉnh lại những yếu tố đột biến, tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2024 khoảng 9%, so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7%, cho thấy tăng trưởng năm nay so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái khá tích cực”.
Cũng theo ông Hưng: “Quan trọng hơn cả, khách hàng nợ xấu hiện hữu nhưng có sự cải thiện về dòng tiền, thu nhập để có thể trả được nợ cho ngân hàng. Hay nói cách khác, ngân hàng quản trị rủi ro như thế nào để có thể giảm thiểu những nợ xấu phát sinh mới trong tương lai. Tóm lại, chúng tôi không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng mà tập trung vào chất lượng tín dụng để giảm thiểu rủi ro”.
Dự báo nợ xấu cuối năm 2024, ông Lê Hoài Ân cho rằng: “Diễn biến nợ xấu trong quý III/2024 cho thấy một bức tranh tài chính phức tạp, với nhiều tín hiệu tích cực nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu đã có dấu hiệu ổn định, những rủi ro tồn đọng vẫn rất lớn, đặc biệt khi tín dụng doanh nghiệp gia tăng và thị trường tiêu dùng chưa có sự cải thiện nhiều. Nếu không có cơ chế hỗ trợ, khả năng nhiều ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc phải trích lập dự phòng nợ xấu tăng vọt. Để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, các ngân hàng cần tiếp tục áp dụng các biện pháp quản trị rủi ro, đồng thời linh hoạt đa dạng hóa danh mục cho vay đến khu vực bán lẻ”.
Trong một tương quan khác, ông Phan Duy Hưng dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ dần giảm từ nay đến cuối năm và một trong những nhân tố hỗ trợ mạnh mẽ đến từ nhóm ngân hàng quốc doanh vốn chiếm quy mô rất lớn trong hệ thống đang có sự phục hồi về chất lượng tài sản sẽ giúp tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành giảm đi.