'Dỡ bỏ hạn mức tín dụng: Thận trọng và có lộ trình'

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc dỡ bỏ công cụ hạn mức tín dụng cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

NHNN vừa gửi đến Quốc hội báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu kết thúc phần chất vấn Thống đốc khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị xây dựng tiêu chí bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.

Sau đó, tại Nghị quyết số số 62/2022/QH15, Quốc hội yêu cầu xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, hiện áp lực lạm phát gia tăng gây thách thức rất lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát.

Do đó, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

NHNN cho biết, việc dỡ bỏ công cụ hạn mức tín dụng cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, đảm bảo các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường.

Thống đốc khẳng định, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội và tổ chức tín dụng đồng thuận đánh giá các giải pháp điều hành tín dụng thời gian qua của NHNN là hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đặc thù của Việt Nam.

Đa số ý kiến cho rằng, tín dụng chỉ là một trong số các kênh vốn, không thể đáp ứng hết tất cả các nhu cầu vốn của nền kinh tế. Do vậy, Chính phủ cần phát triển các kênh khác như chứng khoán, trái phiếu, đầu tư công, thu hút vốn nước ngoài…

Đầu tháng 2 vừa qua, NHNN đã có văn bản thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 gửi các ngân hàng thương mại. 

Việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng TCTD căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng TCTD đến thời điểm gần nhất, mức độ tập trung tín dụng, việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém, tình hình thực tiễn thị trường,…

NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 14-15%, có điều chỉnh phủ hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tính đến ngày 24/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,24 triệu tỷ đồng, tăng 2,26% so với cuối năm 2022.
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát.

Đến cuối tháng 2/2023, dư nợ tín dụng đối với ngành nông, lâm, thuỷ sản; công nghiệp – xây dựng; thương mại, dịch vụ lần lượt tăng 0,75%, tăng 1,88%, và 0,47% so với cuối năm 2022, tương ứng chiếm 7,64%, 26,21% và 66,33% tổng dư nợ nền kinh tế.

Mai Anh

Theo VietnamFinance