Đoán trước lợi nhuận quý III: Bán lẻ và năng lượng bứt phá, BĐS và dầu khí chưa thấy ‘cửa sáng’

Trước khi mùa báo cáo tài chính chính thức bắt đầu, MBS Research đã đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh (KQKD) quý III của một số ngành và doanh nghiệp niêm yết.

Theo đó, lợi nhuận toàn thị trường quý III/2024 có thể tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023 nhờ môi trường lãi suất thấp, tỷ giá giảm mạnh, sản xuất và tiêu dùng đang trên đà phục hồi.

Đoán trước lợi nhuận quý III: Bán lẻ và năng lượng bứt phá, BĐS và dầu khí chưa thấy ‘cửa sáng’ - Ảnh 1
MBS Research đánh giá, bán lẻ, năng lượng, bất động sản khu công nghiệp sẽ là những ngành bứt phá trong quý III

MBS Research đánh giá, các ngành tăng trưởng nổi bật gồm bán lẻ, năng lượng và bất động sản công nghiệp, lần lượt ở mức 381%, 321% và 169%.

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận ngành bất động sản được dự báo giảm 3% so với cùng kỳ do thiếu vắng các dự án mở bán. Tương tự, bức tranh ngành dầu khí cũng khá “u ám” khi giảm 11%, chủ yếu do kết quả kém tích cực của nhóm doanh nghiệp hạ nguồn.

Ngành bán lẻ phục hồi mạnh mẽ

Theo MBS Research, đà tăng trưởng lợi nhuận vượt trội của ngành bán đến từ sự gia tăng thu nhập của người dân. Trong tháng 7 và 8, PMI duy trì trên mức 52,4, phần nào cho thấy các đơn hàng mới ở khu vực sản xuất đã có sự cải thiện đáng kể. MBS Research kỳ vọng, trong quý III, sự phục hồi về tiêu dùng các ngành hàng sẽ có sự cải thiện tốt hơn 6 tháng, khi sự lan tỏa chung của khu vực sản xuất đã bắt đầu có sự tác động tích cực đến thu nhập của người lao động.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của một số doanh nghiệp bán lẻ mà MBS Research đang theo dõi
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của một số doanh nghiệp bán lẻ mà MBS Research đang theo dõi

Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng, ngành hàng bán lẻ điện tử tiêu dùng vẫn đang giảm dần số cửa hàng vật lý khi nhu cầu chung có sự sụt giảm rất mạnh trong năm 2023. Do đó, các nhà bán lẻ vẫn đang tái cấu trúc kinh doanh nhằm tối ưu chi phí, cải thiện lợi nhuận.

Theo quan sát, Thế Giới Di Động (MWG) và FPT Retail (FRT) là hai động lực chính cho đà tăng trưởng lợi nhuận của nhóm bán lẻ, với mức tăng lần lượt là 3.238% và 441%. Trong khi đó, Digiworld (DGW) ghi nhận mức tăng trưởng khá 57%. Còn trường hợp của PNJ, lợi nhuận dự kiến chỉ tăng nhẹ 3%, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ trang sức chung vẫn đi ngang và giá vàng nguyên vât liệu tăng cao hơn so với mức tăng của giá bán sản phẩm.

Doanh nghiệp thuỷ điện "vực dậy" ngành năng lượng

Đối với ngành năng lượng, MBS Research chỉ ra rằng, tỷ giá giảm là một trong những yếu tố hỗ trợ cho sự phục hồi lợi nhuận. Cụ thể, tính đến ngày 25/9/2024, tỷ giá USD/VND đã giảm 3,5% so với quý II/2024. Điều này giúp các doanh nghiệp điện có cơ cấu vốn vay được tài trợ một phần bằng đồng USD, chẳng hạn như Tập đoàn PC1 (PC1) và EVNGENCO 3 (PGV), có thể ghi nhận lãi tỷ giá trong quý này.

Cũng theo MBS Research, nhu cầu điện tính đến hết tháng 8/2024 tăng 12% so với cùng kỳ, cao hơn kế hoạch 9%, cũng là yếu tố hỗ trợ tốt đối với các nhà máy điện.

Trong bối cảnh mưa nhiều trên toàn quốc và thủy văn thuận lợi, nhóm thủy điện dự kiến có triển vọng tích cực nhất trong quý III, đặc biệt là các đơn vị sở hữu thủy điện nhỏ, ít bị ảnh hưởng bởi giá huy động giảm như Tập đoàn PC1, Tập đoàn Hà Đô (HDG).

Đoán trước lợi nhuận quý III: Bán lẻ và năng lượng bứt phá, BĐS và dầu khí chưa thấy ‘cửa sáng’ - Ảnh 2
Các doanh nghiệp thuỷ điện sẽ dẫn dắt sự tăng trưởng lợi nhuận của nhóm năng lượng

Trong khi đó, nhóm nhiệt điện sẽ duy trì mức nền lợi nhuận khá thấp trong giai đoạn này. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam đã đi qua cao điểm nắng nóng, khiến sản lượng huy động quý III đi ngang so với cùng kỳ và giảm mạnh so với quý II. Dự kiến, phải đến quý IV, khi thủy điện hết mùa mưa tại khu vực miền Nam, xu hướng mới được cải thiện.

MBS Research dự báo, kết quả tích cực nhất thuộc về PC1 và Hà Đô với mức tăng trưởng 116% và 43%.

Bất động sản khu công nghiệp tiếp đà tăng trưởng

Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp, KQKD quý III vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn FDI tích cực từ đầu năm. Tuy nhiên, MBS Research nhận định, sẽ tiếp tục có sự phân hoá do thời điểm bàn giao đất trong năm.

Cụ thể, Kinh Bắc (KBC) sẽ chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận ròng lên tới 2.999% từ mức nền thấp cùng kỳ. Trong khi đó, Becamex IDC (BCM) có thể ghi nhận lợi nhuận ròng cao gấp 3 lần cùng kỳ, tương ứng tăng trưởng 200% nhờ phi vụ chuyển nhượng đất 1.240 tỷ đồng.

Đối với IDICO (IDC) và Sonadezi Châu Đức (SZC), thường ghi nhận KQKD quý III thấp hơn so với các quý khác trong năm, sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ nhờ các hợp đồng MOU đã ký.

Nhóm bất động sản khu công nghiệp nhìn chung có sự tăng trưởng tích cực
Nhóm bất động sản khu công nghiệp nhìn chung có sự tăng trưởng tích cực

Về phía các doanh nghiệp có mảng cao su, MBS Research cho rằng, họ được hỗ trợ từ việc giá cao su thế giới tăng mạnh từ đầu năm và KQKD sẽ tích cực cho đến cuối năm.

Dự phóng, lợi nhuận ròng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) có thể tăng 182% so với cùng kỳ nhờ giá bán cao su cao, còn của Cao su Phước Hòa (PHR) sẽ cao hơn 35% nhờ giá bán tăng và tiền thu từ thanh lý cây cao su.

Ngành bất động sản vẫn kém sắc

Theo MBS Research, KQKD quý III của các doanh nghiệp bất động sản sẽ phân hóa theo khu vực. Đến hết tháng 6, nguồn cung căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hạn chế khi lượng sản phẩm mới giảm 59% so với cùng kỳ, còn mặt bằng giá chỉ tăng 6%.

Trái ngược với khu vực phía Nam, nguồn cung bất động sản Hà Nội tăng vọt 176% so với cùng kỳ, lên mức cao nhất 5 năm. Mặt bằng giá tại khu vực này đã tăng 22% so với cùng kỳ và đang bắt kịp khu vực phía Nam.

Ngành bất động sản vẫn kém khởi sắc do thiếu vắng các dự án mở bán
Ngành bất động sản vẫn kém khởi sắc do thiếu vắng các dự án mở bán

Với việc ba bộ luật bất động sản quan trọng có hiệu lực, MBS Research cho rằng, sẽ cần thêm thời gian để các địa phương xây dựng bảng giá đất chính thức, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo đó, KQKD của các doanh nghiệp bất động sản với thị trường trọng điểm phía Nam như Novaland (NVL), Đất Xanh (DXG) sẽ tiếp tục khiêm tốn vì thiếu vắng dự án mở bán mới và tình hình thị trường trầm lắng. Còn Nhà Khang Điền (KDH), Nam Long (NLG) sẽ có lợi thế nhờ pháp lý hoàn thiện.

Tương tự là Vinhomes (VHM). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hưởng lợi thêm nhờ sở hữu dự án bất động sản tập trung tại khu vực phía Bắc, hiện đang có thanh khoản cao.

Nhóm dầu khí tiếp tục phân hoá

Tương tự ngành bất động sản, KQKD quý III của các doanh nghiệp dầu khí tiếp tục phân hoá.

MBS Research cho rằng, việc giá dầu đã suy giảm tương đối mạnh trong quý III sẽ gây tác động tiêu cực đến một số doanh nghiệp hạ nguồn như Petrolimex (PLX) và Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR).

Cụ thể, Petrolimex có thể phải tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, còn Lọc Hóa Dầu Bình Sơn sẽ bị ảnh hưởng do crack spread tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, do đã kết thúc đợt bảo dưỡng, sản lượng của Lọc Hóa Dầu Bình Sơn cũng hồi phục, nhờ đó mà KQKD vẫn có thể cao hơn quý II.

Quý III tiếp tục là một quý ghi nhận KQKD phân hoá giữa các doanh nghiệp trong ngành dầu khí
Quý III tiếp tục là một quý ghi nhận KQKD phân hoá giữa các doanh nghiệp trong ngành dầu khí

Ở phía thượng nguồn, việc PTSC (PVS) được trao thầu toàn bộ cho hai gói thầu thuộc dự án Lô B, Ô Môn là điều kiện quan trọng giúp KQKD trở nên tích cực hơn. Hay như trường hợp của PVDrilling (PVD), giá cho thuê giàn không có nhiều thay đổi, cộng thêm việc các giàn khoan đất liền đã kết thúc bảo dưỡng sẽ làm giảm các áp lực chi phí cho doanh nghiệp.

Ở khu vực trung nguồn, MBS Research kỳ vọng, PV Trans (PVT) sẽ có KQKD tích cực khi cước vận tải dầu ổn định, doanh nghiệp nhận thêm ba tàu mới và ghi nhận thanh lý tàu PVT Synergy khoảng 150 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết quả của PV Gas (GAS) sẽ kém tích cực hơn so với quý II khi sản lượng khí khô có thể giảm so với quý trước vì tiêu thụ từ các nhà máy điện khí giảm. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn có thể ghi nhận thêm đóng góp từ kinh doanh LNG.

 

Hà Lê

Theo VietnamFinance