Doanh nghiệp bất động sản kín tiếng của ông Đặng Thành Tâm huy động hơn 1.600 tỷ đồng trái phiếu
CTCP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn - Lâm Đồng - doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” của Chủ tịch Đặng Thành Tâm vừa huy động hơn 1.600 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn - Lâm Đồng đã hoàn tất phát hành 16.070 trái phiếu có mã SLTCH2328001 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu vào ngày 29/12/2023 với giá trị phát hành 1.607 tỷ đồng.
Lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng, ngày đáo hạn 29/12/2028.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Sài Gòn – Lâm Đồng được thành lập ngày 3/2/2005. Với lĩnh vực kinh doanh chính là dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ và resort. Doanh nghiệp có trụ sở tại Khu du lịch Cáp treo, Đồi Robin, Phường 3, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Kỳ Lân.
Dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Sài Gòn – Lâm Đồng hiện có vốn điều lệ 620 tỷ đồng. Như vậy, với việc hoàn tất phát hành lô trái phiếu SLTCH2328001, doanh nghiệp bất động sản này đã huy động thành công nguồn vốn từ trái phiếu gần gấp ba lần vốn điều lệ.
Đáng chú ý, về cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Sài Gòn – Lâm Đồng có Công ty CP Đầu tư Sài Gòn (đại diện bà Hồ Thị Kim Oanh) sở hữu 40%; ông Đặng Thành Tâm 20% và bà Lê Thị Anh 40%.
Trong đó, ông Đặng Thành Tâm được biết đến là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã CK: KBC) và CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã CK: SGT).
Ngoài ra, CTCP Đầu tư Sài Gòn - tổ chức nắm 40% vốn doanh nghiệp huy động trái phiếu nói trên cũng có quan hệ mật thiết với Saigontel của ông Đặng Thành Tâm khi bà Hồ Thị Kim Oanh - thành viên HĐQT của Saigontel đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư Sài Gòn.
Thị trường trái phiếu ổn định hơn
Không chỉ riêng CTCP Đầu tư và Du lịch Sài Gòn - Lâm Đồng, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản khác cũng tích cực trong việc huy động vốn từ kênh trái phiếu. Điều này cho thấy thị trường trái phiếu đang có sự phục hồi mạnh mẽ sau khoảng thời gian dài trầm lắng.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 31/12/2023, có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trong tháng 12 với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.
Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).
Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành). Theo sau là nhóm bất động sản phát hành khoảng 73.200 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2022.
Theo các chuyên gia Fiinratings, với bối cảnh tình hình thị trường bất động sản hiện nay và chất lượng tín dụng của các doanh nghiệp tổ chức phát hành còn yếu, các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đang xem xét khả năng tạo cơ chế cho phép tiếp tục giãn hoãn thanh toán nợ trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 08, cùng với những giải pháp khác nhằm tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản nhằm khôi phục thị trường, qua đó từng bước cải thiện sự hồi phục của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Fiinratings cũng dự báo trong năm 2024 nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục phát hành thành công khi mà các giải pháp hiện nay của Chính phủ được triển khai mạnh và rộng hơn.