Doanh nghiệp bất động sản phải giãn hoặc hoãn các dự án đang triển khai

Theo VARS, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giãn hoặc hoãn các dự án đang triển khai, lùi lịch mở bán dự án để chờ đợi tín hiệu mới từ thị trường. Có doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự vì thiếu vốn và doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng cao.

 

Doanh nghiệp bất động sản phải giãn hoặc hoãn các dự án đang triển khai - Ảnh 1

Một số doanh nghiệp thuộc hàng tốp đầu trong nước tại TP.HCM đã thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự. Tùy từng doanh nghiệp, mức cắt giảm 50-70% số lượng nhân sự hiện có.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) ước tính, trong tháng 10, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường nhỏ hơn 10%, mức thấp kỷ lục và khá giống giai đoạn năm 2010 - 2011. Các khu vực có thị trường bất động sản sôi động trong năm 2022 như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Định… đều đang rơi vào trạng thái trầm lắng.

Theo VARS, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải giãn hoặc hoãn các dự án đang triển khai, lùi lịch mở bán dự án để chờ đợi tín hiệu mới từ thị trường. Có doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự vì thiếu vốn và doanh thu sụt giảm vì lãi suất tăng cao. Ở phía người đi vay mua nhà cũng bị hạn chế tiếp cận tín dụng. 

Ba tháng cuối năm thường là thời điểm sôi động của thị trường bất động sản nhưng theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, thị trường ba tháng cuối năm nay khả năng khó được như những năm trước.

“Đến năm 2023, cũng khó có khả năng ổn định, phát triển nếu dòng vốn không được khơi thông”, ông Đính nhận định.

Theo đó, để người dân giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nhà ở, cần khẩn trương xây dựng giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, có chính sách thúc đẩy hình thành các kênh dẫn vốn như các quỹ đầu tư tín thác, quỹ mua nhà ở cho người lao động... nhằm khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án nhà ở, nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp cần được tạo điều kiện hoãn nợ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Khi đó, các dự án có thể được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa giá bất động sản nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ chỉnh sửa Luật, bám sát thực tế, quá trình sửa Luật cần thường xuyên được cập nhật và công khai để xã hội nắm bắt, củng cố niềm tin cho thị trường, nhà đầu tư.

Đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư số 3 của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý cần có phương án phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, không nên dễ dàng đưa vào những hoạt động không mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Theo Công ty CP DKRA Group, thị trường nhà đất giai đoạn cuối năm đang đứng trước những cơ hội: Mùa vụ mua sắm, đầu tư bất động sản thường niên; Chính phủ vẫn tăng cường đầu tư công; tính hiệu quả trong điều hành kinh tế vĩ mô, giúp kinh tế tăng trưởng; chính sách bán hàng linh hoạt của chủ đầu tư với giá tốt hơn nhằm khuyến khích khách hàng...

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức, như: Yếu tố pháp luật chưa kịp thay đổi; lãi suất ngân hàng tăng cao; tín dụng tiếp tục bị siết chặt... khiến cho nguồn cung mới chưa có nhiều cải thiện, hoạt động đầu cơ giảm sút làm cho thị trường trầm lắng...

Những tháng cuối năm 2022, dự báo thị trường không có nhiều biến động lớn, do nguồn cung nhà ở tiếp tục khan hiếm, khả năng hấp thụ có thể tăng nhẹ nhưng không mạnh, đáng chú ý là giá bán sẽ ổn định và không tăng. Những dự án đầu tư lớn được hưởng lợi từ yếu tố hạ tầng, giao thông đang triển khai sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư đưa vốn vào thị trường.

Theo nhận định của ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc DKRA Group có thể thấy từ giữa tháng 10-2022, một số doanh nghiệp thuộc hàng tốp đầu trong nước tại TP.HCM đã thực hiện chính sách cắt giảm nhân sự. Tùy từng doanh nghiệp, mức cắt giảm 50-70% số lượng nhân sự hiện có.

Bên cạnh đó, họ cũng tiến hành điều chỉnh lương nhân sự ở lại với mức giảm 15-30%. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cơ cấu lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn và đa nhiệm, thu gọn văn phòng để cắt giảm chi phí.

Theo ông Thắng, hiện nay doanh nghiệp bất động sản cần lưu ý bốn giải pháp. Thứ nhất, áp dụng công nghệ vào công tác quản lý, bán hàng giúp cắt giảm chi phí đầu vào. Thứ hai là đa dạng hóa các kênh huy động vốn, trong đó chú trọng kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, linh hoạt áp dụng các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh nhằm đảm bảo dòng tiền. Cuối cùng là tập trung phát triển những dự án chiến lược, đã hoàn thiện pháp lý, tránh việc đầu tư dàn trải như trước.

Ông Thắng cũng cho rằng, thị trường hiện tại vẫn còn khó khăn nhưng không phải không có điểm sáng. Đơn cử như gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 114.000 tỷ đồng phục vụ cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực kết nối vùng, tiền đề cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Khả năng nới room tín dụng do mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10/2022 đạt 11,5%, vẫn dưới mức 14% theo định hướng Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống