Doanh nghiệp bất động sản tìm chiến lược thích ứng trước biến động của thị trường

Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng là tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, tỷ lệ nới room không lớn thì khả năng doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tìm phương án thích ứng lâu dài bằng nhiều hoạt động đầu tư khác hoặc M&A hay phát hành trái phiếu.

Tìm chiến lược mới trước biến động của thị trường

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, căn cứ xác định kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01, NHNN đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Điều này giúp phần nào khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng dòng vốn tín dụng “chảy” vào bất động sản sẽ chưa thực sự đạt mức kỳ vọng bởi tỷ lệ nới room không lớn, chỉ nới room tại một số ngân hàng. Đó còn chưa kể việc cho vay tín dụng sẽ có những nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp ưu tiên được vay. Do đó, doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ phải chờ để đến lượt mới được vay.

Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng với một số ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước sẽ nới room tín dụng với một số ngân hàng

Thực tế, khi bước sang đầu quý III/2022, sự trầm lắng về thanh khoản bất động sản, cấp phép dự án, kiểm soát tín dụng khiến cho việc triển khai dự án và mở bán vẫn diễn ra chậm chạp. Để duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về dòng vốn, một số chủ đầu tư đã vạch ra kế hoạch thích ứng mới.

Đơn cử như tại Novaland đang tiến hành đang dành nguồn lực đáng kể để phát triển hệ thống siêu thị, các trung tâm chăm sóc sức khỏe, ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa nghệ thuật và thể thao. Các hoạt động kinh doanh phụ trợ này có thể chỉ đóng góp tỷ trọng nhỏ trong cấu trúc lợi nhuận của Tập đoàn, nhưng mang lại hiệu ứng khá tốt trong việc thu hút dân cư và khách du lịch, hỗ trợ tỷ lệ lấp đầy các dự án đô thị, khu nghỉ dưỡng của tập đoàn này.

Còn Sun Group thì mở rộng mảng đầu tư hạ tầng để đa dạng hóa nguồn thu. Doanh nghiệp này mới đây cũng đề xuất xây dựng sân bay Tà Đùng, đầu tư tuyến cao tốc nối TP. Gia Nghĩa với tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, kết hợp với phát triển một tổ hợp du lịch tại Đắk Nông.

CEO Group cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 5.147 tỷ đồng thông qua phương án phát hành hơn 257 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) đã công bố quyết định chuyển nhượng cổ phần Công ty Cổ phần SG - KL, đơn vị sở hữu dự án Astral City (Bình Dương) và dự kiến thu về 3.350 tỷ đồng trong các quý tới. Phát Đạt cũng dự kiến có dòng tiền từ các dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bình Định trong giai đoạn nửa sau 2022 - 2023, qua đó giúp doanh nghiệp hiện thực hóa chiến lược phát triển dự án và mở rộng quỹ đất sắp tới.

Tăng cường hoạt động M&A

Khi thị trường khó khăn về dòng tiền cũng là lúc các doanh nghiệp dùng công cụ M&A để thu gom tài sản giá tốt đồng thời tăng sức cạnh tranh, mở rộng quỹ đất trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Trên thị trường, hoạt động M&A diễn ra sôi động, Công ty CapitaLand (Singapore) đã mua lại quỹ đất tiềm năng để xây dựng khu phức hợp tại TP. Thủ Đức. Dự án này có quy mô 8ha, gồm hơn 1.100 căn hộ, dự kiến khởi công từ năm 2024 và đi vào vận hành trong năm 2027... Hay nửa đầu năm 2022 là thương vụ chuyển nhượng tòa nhà văn phòng Capital Place (Ba Đình, Hà Nội) từ CapitaLand Development sang Viva Land với tổng trị giá 550 triệu USD.

Hoạt động M&A diễn ra sôi động
Hoạt động M&A diễn ra sôi động

Tương tự Tập đoàn Keppel Land đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long để mua 49% diện tích 3 khu đất tại khu đô thị Bắc An Khánh - Mailand Hanoi City (tên cũ là Splendora) với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng (khoảng 120 triệu USD). Ba khu đất này có tổng diện tích 14,2ha, Keppel Land và Phú Long sẽ phát triển 1.260 căn hộ, bao gồm 1.020 căn chung cư và 240 căn thấp tầng. Tổng chi phí phát triển dự án (bao gồm cả chi phí đất) dự kiến là hơn 11.500 tỷ đồng (506 triệu USD).

Ở Đồng Nai, dự án Swan Bay (huyện Nhơn Trạch) có diện tích khoảng 200ha của Công ty Cổ phần Vina Đại Phước tiếp tục được phát triển bởi Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long.

Nói về vấn đề này, Colliers Việt Nam cho biết, khối ngoại vẫn luôn quan tâm tới thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là phân khúc khu công nghiệp và bán lẻ. Điều này đến từ triển vọng tăng trưởng dài hạn của kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Có nhiều nhà đầu tư châu Á đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư nhiều vào Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Nhật..., cho thấy tiềm năng hấp dẫn và lợi suất đầu tư cao của thị trường bất động sản Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers tại Việt Nam cho hay, nửa cuối năm 2022, khả năng cao sẽ có thêm các doanh nghiệp quốc tế đến với Việt Nam trên hành trình đa dạng hoá chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Trong khi đó, đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng tạo ra động lực quan trọng cho các phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics. Tất cả sẽ tạo nên một diện mạo tươi sáng hơn của nền kinh tế sau một quãng thời gian dài phải chống chọi với đại dịch Covid-19 và tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư ngoại.

Thực tế, thị trường cũng đang chứng kiến nhiều sự hợp tác và liên doanh giữa các công ty trong nước với nhà đầu tư nước ngoài. Các dự án bất động sản từ nhà ở, căn hộ, văn phòng cho đến công nghiệp và bất động sản ứng dụng luôn nằm trong tầm ngắm. Kỳ vọng từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn nữa khi dòng vốn được bổ sung và khơi thông.

Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản có thể đẩy mạnh kênh trái phiếu chào bán ra công chúng. Dự thảo Nghị định 153 đang được thực hiện theo hướng chuẩn hóa điều kiện phát hành, mục đích sử dụng vốn và cơ sở nhà đầu tư, do đó, chào bán trái phiếu ra công chúng là một sự lựa chọn quan trọng trong bối cảnh pháp lý hiện nay.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống