Doanh nghiệp cầm cự bù lỗ, du lịch Quảng Bình thoi thóp "sống mòn" mùa dịch
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến thủ phủ của du lịch miền Trung là Quảng Bình gặp rất nhiều khó khăn,
Động Phong Nha, Tiên Sơn cả tháng qua không có một bóng khách
Phong Nha được xem là “trái tim” của ngành du lịch Quảng Bình, mặc dù cho phép du lịch mở cửa đón khách nội tỉnh, nhưng lượng khách đến chỉ trên đầu ngón tay. Theo quan sát của phóng viên trong những ngày này, cả thị trấn Phong Nha hàng quán đìu hiu, vắng ngắt.
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết: "Các địa điểm tham quan du lịch do đơn vị quản lý từ khi hoạt động trở lại theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Bình vào ngày 29/5 đến nay đều vắng khách. Cũng trong khoảng thời gian này, trung tâm mới chỉ đón lác đác vài chục khách tham quan, chủ yếu là khách nội tỉnh. Các động Phong Nha, Tiên Sơn gần cả tháng qua không có một bóng khách. Du lịch ở Phong Nha đang gặp rất nhiều khó khăn…”.
Cũng theo ông Thắng, đơn vị tự chủ về tài chính nên không có khách du lịch đồng nghĩa với đơn vị đang “chết yểu” trong khi phải giải quyết nhiều thách thức, từ tiền lương, chế độ chính sách cho cán bộ, viên chức, người lao động cho đến chi phí tiền điện, tiền duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất để hoạt động các tour, tuyến, điểm tham quan hàng ngày do đơn vị quản lý.... hơn 1,3 tỷ đồng.
Đối mặt với tình hình khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp lữ hành không có nguồn kinh phí để trả lương nhân viên, buộc phải cắt giảm nhân lực do không có khách du lịch. Một số đơn vị trong chuỗi đón đoàn tour, như nhà hàng, khách sạn, nhà xe… xem như “đóng băng”; có hoạt động nội tỉnh thì cứ “lèo tòe, èo uột”… không đủ để chi trả cho tiền điện nước, lấy đâu tiền để lo các chi phí khác.
CEO của nhà xe có tiếng Diệu Linh giờ về mở quán cà phê và dạy Yoga để “kiếm cơm”, chị bảo: “Giờ chúng tôi “đi cày” để lo các chi phí và trả lãi vay, mặc dù không đủ nhưng bù thêm một chút trong khoản vay thêm để duy trì doanh nghiệp".
Hiện tại, một số đơn vị hoạt động cầm chừng xem như duy trì đơn vị để chờ ngày du lịch khởi sắc, nhưng trước thực trạng dịch đang giai đoạn bùng phát, thì câu chuyện chời đợi vẫn còn tiếp tục và doanh nghiệp tiếp tục “sống mòn”.
Chị Hà - Quản lý Nhà hàng Quê Nhà - một trong những đơn vị đón đoàn tour chuyên nghiệp chia sẻ: “Để duy trì, chúng tôi luân phiên cho nhân viên trực, hôm thì bán đồ uống mang đi, hôm thì bán đồ ăn, nhưng lượng khách không nhiều, không biết duy trì được bao lâu. Chúng tôi với quy mô hoạt động và đội ngũ chuyên đón đoàn tour, giờ chuyển sang vài khách lẻ thì cũng không đủ để trả tiền điện nước duy trì hoạt động".
Hay như, khách sạn Phương Bắc 4 sao, để tăng thêm thu nhập cho nhân viên, ông chủ và bà chủ đều xắn tay cùng nhân viên bán đồ nướng… Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, còn tiền hàng tháng phải vay để trả lương và duy trì hoạt động.
Xây dựng "tour lỗ" để cầm cự
Ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội, tại các điểm du lịch: động Phong Nha, suối nước Moọc và sông Chày-Hang Tối, đơn vị chỉ đón khách nội tỉnh (có giấy tờ tùy thân chứng thực khi đến làm thủ tục tại quầy vé) và khách có giấy tạm trú tại Quảng Bình, từ chối nhận khách ngoại tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
Cũng theo ông Thắng, bên cạnh thực hiện quy tắc "5K", các điểm du lịch phải tuân thủ nghiêm ngặt một số vấn đề, như: bảo đảm khoảng cách 2m khi du khách xếp hàng mua vé tại quầy; khai báo y tế qua hình thức quét mã QR hoặc điền giấy khai báo; khử khuẩn; du khách luôn được nhắc nhở phải sử dụng khẩu trang tại các điểm du lịch. Bên cạnh đó cũng có chính sách giảm giá vé dịch vụ tại một số điểm tham quan đối với khách nội tỉnh do đơn vị quản lý để thu hút khách trong thời điểm dịch bệnh…
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis cho biết, năm 2021 các tour của Oxalis đã kín chỗ từ tháng 3, tuy nhiên, Việt Nam lại đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Giờ đang là mùa cao điểm du lịch, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn tất cả. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, Oxalis đã không nhận khách ngoại tỉnh, điều này đồng nghĩa với việc các tour phải tạm ngừng vì đa số khách của Oxalis đến từ các thành phố lớn.
Để duy trì đơn vị, ông Á chia sẻ: “Ngành du lịch Quảng Bình nói riêng và du lịch toàn quốc nói chung đã chịu nhiều thiệt hại trong các đợt dịch trước. Một số công ty du lịch cũng tạm ngưng hoạt động. Nay chúng tôi vẫn muốn duy trì “đốm lửa” du lịch còn sót lại để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ thổi bùng ngọn lửa du lịch, nếu ngọn lửa tắt đi sẽ rất khó và rất lâu đế thắp lại. Do đó, chúng tôi quyết định xây dựng "tour lỗ" đặc biệt dành riêng cho khách hiện đang ở Quảng Bình và những khách đã hết hạn cách ly tại Quảng Bình với một chương trình tour rẻ chưa từng có. Chúng tôi muốn duy trì hoạt động điều hành, muốn anh em porter có thu nhập và cũng muốn tạo cơ hội cho người Quảng Bình trải nghiệm tour du lịch của Oxalis, đây cũng là cách giúp chúng tôi vượt qua khó khăn…”.
Theo đó, chương trình ưu đãi lần này áp dụng cho các tour khám phá hang động khác do Oxalis Adventure đang khai thác, bao gồm: hang Én, hang Va, hệ thống hang Tú Làn, hang Tiên. Tất cả các tour thám hiểm trong chương trình này đều được giảm giá 30- 50% so với mức giá cũ”.
Đại diện một đơn vị lữ hành có tiếng trên địa bàn, ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty TNHH thông tin và du lịch Netin cho biết: Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhằm kích cầu du lịch, thu hút du khách trong tỉnh tham quan và trải nghiệm cũng như phát triển du lịch Quảng Bình trong tình hình mới, công ty đã tung ra chính sách giảm 50% giá vé cho người Quảng Bình đi du lịch Quảng đối với các tour khám phá hang Chà Lòi được tổ chức 1 ngày hoặc 2 ngày 1 đêm... Tuy nhiên, đó chỉ là “cấp cứu” doanh nghiệp qua cơn “bĩ cực”, còn hiện tại chúng tôi cũng như rất nhiều đơn vị khác đều lâm vào tình trạng khó khăn chung của toàn ngành.
Ngành du lịch Quảng Bình, hay du lịch trên toàn quốc đều đối mặt với sự khó khăn chung. Nhiều doanh nghiệp đã bán “tống bán tháo”, lỗ cũng chịu. Cũng có những đơn vị quyết định bán, nhưng cũng chẳng có ai hỏi thăm. Doanh nghiệp du lịch Quảng Bình cũng như các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc sống dở, chết dở…
Đối với một địa phương như Quảng Bình, bản đồ chống dịch COVID-19 vẫn an toàn và cho mở cửa đón khách nội tỉnh, nhưng lượng khách vẫn “chừng mực”, không đủ doanh thu để nuôi nhân viên; và nguồn để duy trì đơn vị vẫn phải đi vay thêm để bù đắp chi phí như trả lương nhân viên, điện nước, lãi suất ngân hàng…
Một doanh nghiệp có tiếng trong ngành du lịch Quảng Bình dấu tên chia sẻ: “Chúng tôi đối mặt với sự khó khăn, khủng hoảng, chính sách của tỉnh cho phép mở cửa du lịch trong tỉnh. Mở cửa cũng chết, không mở cửa cũng chết… con số bù lỗ quá kinh khủng. Hiện tại chúng tôi đang trong chờ những xét duyệt về hỗ trợ giúp đỡ của Chính phủ trong thời gian sắp tới…”
Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, doanh nghiệp du lịch Quảng Bình cũng như doanh nghiệp du lịch toàn quốc, lâm vào tình trạng khó khăn chung. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác, nhiều nơi lâm vào tình trạng không có nguồn thu... doanh nghiệp phải vay thêm để giải quyết những khó khăn hiện tại.
Hiệp hội đang nghiên cứu về chính sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn hiện tại từ gói hỗ trợ của Chính phủ 26.000 ngàn tỷ; trong đó có gói hỗ trợ vay ngân hàng của doanh nghiệp với lãi suất 0% và gói hỗ trợ hướng dẫn viên. Hy vọng, gói hỗ trợ lần này doanh nghiệp, cũng như hướng dẫn viên được phần nào được giải quyết, xem như sự động viên 'một gói khi đói, bằng một gói khi no".