Du lịch cần chuẩn bị bài toán nhân lực và chuyển đổi số sau đại dịch COVID-19

Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam - Cố vấn chiến lược quản trị doanh nghiệp Du lịch - Lữ hành, chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam về việc doanh nghiệp du lịch cần làm gì để có thể vực dậy ngành du lịch một cách nhanh nhất, khi mà COVID-19 có thể được kiểm soát.

Thưa ông, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, ngành du lịch đang trong tình cảnh cực kỳ khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã bỏ nghề. Theo ông, du lịch “cần chiếc ô lớn” với những quyết sách gì để có thể cứu ngành?

Ông Vũ Văn Tuyên: Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, tấn công các nước phát triển cũng như đang phát triển. Đây là lần đầu tiên cả thế giới, không phân biệt giàu hay nghèo, đen hay trắng, lớn hay nhỏ, đều bị một tai họa lớn như vậy, ảnh hưởng đến tất cả mọi tầng lớp, mọi ngành, mọi nơi… Tuy nhiên, mỗi ngành đều phải chuẩn bị những kế hoạch cụ thể, để khi khống chế được dịch bệnh COVID- 19 thì bài toán đón khách nội và ngoại phải làm ngay.

Điều chúng ta có được là, thương hiệu “quốc gia an toàn” tôn thêm giá trị hình ảnh điểm đến Việt Nam điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn mà nhiều năm nay du lịch Việt Nam đã xác lập trong lòng du khách quốc tế. Đây sẽ là thế mạnh, đòn bẩy cho du lịch khi chúng ta mở cửa đón khách quốc tế trở lại.

Du lịch cần chuẩn bị bài toán nhân lực và chuyển đổi số sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1

Ông Vũ Văn Tuyên- Một trong những CEO hàng đầu của ngành du lịch.

Định hướng cho giai đoạn phục hồi du lịch năm 2021 - 2023, Việt Nam sẽ lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó, sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.

Vậy khi chúng ta đã xác định thương hiệu quốc gia an toàn, sẽ thu hút du khách khách đến Việt Nam, vậy theo ông các doanh nghiệp du lịch cần những quyết sách mạnh mẽ gì để gây ấn tượng trong lòng du khách, ví như “làm mới các sản phẩm du lịch” và đón du khách quốc tế đảm bảo đảm an toàn thưa ông?

Ông Vũ Văn Tuyên:Theo tôi, trong bối cảnh như vậy, kế hoạch phục hồi du lịch Việt Nam sẽ được tính toán trên nhiều phương diện, như làm mới du lịch, lấy “sức bật thị trường nội địa”. Chúng ta cần thu hút du khách bằng cách tăng giá trị du lịch trải nghiệm, thay vì chỉ giảm giá, bên cạnh việc xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn cho du khách.

Du lịch cần chuẩn bị bài toán nhân lực và chuyển đổi số sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2

Du khách đến Quảng Bình trước bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

Các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng chiến dịch marketing riêng, cần sự thu hút sự tham gia của các cơ quan nhà nước, truyền thông, doanh nghiệp... Phải khẳng định, truyền thông về điểm đến an toàn, sản phẩm thực sự hấp dẫn... Bên cạnh đó, phải sẵn sàng đón du khách quốc tế, bảo đảm an toàn tối đa cùng du khách.

Về phương án, lộ trình đón khách quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ triển khai giai đoạn thí điểm đầu tiên, dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo đảm an toàn tối đa cho du khách cũng như người dân địa phương. Đảm bảo, an toàn những người làm công tác trong ngành du lịch như các công ty du lịch, các hướng hướng viên…

Chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất của ngành du lịch, nhiều chuyên gia nhận định, phải có một cuộc cách mạng công nghệ thì du lịch mới có những bước chuyển mình, cứu doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, du lịch là tập trung trải nghiệm cho du khách nên khó áp dụng chuyển đổi số. Ông chia sẻ gì về các quan điểm nói trên thưa ông?

Ông Vũ Văn Tuyên:Khác với mô hình truyền thống, hoạt động kinh doanh du lịch thời kỳ 4.0 dành sự tập trung nhiều hơn vào khách hàng và theo mô hình chuỗi giá trị số (Digital value chain), được chia thành 3 khâu: Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm; chuyển các dữ liệu này thành các hiểu biết sâu sắc (insights) và chuyển các hiểu biết đó thành các hành động cụ thể.

Đáp ứng nhu cầu của khách hàng là điều mà doanh nghiệp du lịch hiện đại hoàn toàn tập trung vào bằng cách nỗ lực tìm kiếm và xây dựng những kênh giao tiếp, tương tác và bán hàng một cách gần gũi, hiệu quả hơn với khách hàng của mình…

Các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.

Du lịch cần chuẩn bị bài toán nhân lực và chuyển đổi số sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 3

Gần 100 CEO hàng đầu của ngành lịch hội tụ để chuẩn bị cho chiến lược kết nối và bàn giải pháp cho ngành du lịch trước dịch bùng phát lần thứ 4. (hình ảnh hồi tháng 3/2021)

Ngày nay, khách hàng hiện đại luôn có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Do đó, trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc, mọi nơi chính là mong muốn của họ. Việc tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất. Theo đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm, xây dựng những kênh giao tiếp với khách hàng của mình một cách gần gũi và hiệu quả.

Quá trình lưu trữ dữ liệu, kiểm soát chất lượng và cả hoạt động thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng cũng được thực hiện hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ. Ở những điểm chạm này, các giải pháp công nghệ liên tục phát triển giúp cho sự chuyển đổi ngày càng trở nên nhanh chóng hơn. Sự thay đổi này vô tình đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong cách thức các doanh nghiệp du lịch hoạt động, điều mà trước đây họ chưa thực sự quan tâm đúng mức về việc chuẩn bị và thích ứng.

Dù quy mô lớn hay nhỏ, nếu doanh nghiệp không chịu hòa theo dòng chảy này thì việc bị loại ra khỏi cuộc chơi là điều vô cùng dễ hiểu, giống như hàng loạt doanh nghiệp buộc phải đóng cửa hậu COVID-19.

Du lịch cần chuẩn bị bài toán nhân lực và chuyển đổi số sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 4

Với những chiến lược cụ thể và Việt Nam điểm đến an toàn sẽ thu hút du khách trong nước và quốc tế. (Hình ảnh trước ngày 26/4/2021).

Ông có thể chia sẻ công ty du lịch của ông có những thay đổi gì để phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp?

Do chuyển đổi số thành công, nên công ty chúng tôi vẫn đang hoạt động bình thường, dù có cắt giảm chi phí hoạt động và nhân sự nhưng cái lợi là nhân viên có thể làm việc tại nhà, tại bất cứ đâu trên nền tảng chuyển đổi số… Chúng tôi cũng chuẩn bị quỹ dự phòng và phải lên kế hoạch chuẩn bị đón khách trở lại sau khi dịch bệnh lắng xuống.

Trong thời điểm hiện nay, con số các công ty du lịch đóng cửa tăng lên từng ngày, ông có niềm tin du lịch sẽ hồi phục sớm hay không? Chúng ta được biết nhiều gói hỗ trợ và cứu trợ doanh nghiệp, nhưng để đến được những gói hỗ trợ đó rất khó tiếp cận. Theo ông, điều gì khiến doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn hỗ trợ và đơn vị ông đã được hỗ trợ gì chưa?

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tránh giải thể, phá sản… Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được các gói hỗ trợ này...

Ngay đơn vị tôi, ví như khi biết có gói tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch. Chúng tôi đã đến một ngân hàng thương mại để tìm hiểu, tuy nhiên, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ này quá phức tạp. Ngân hàng còn yêu cầu tôi phải chứng minh thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, nhưng nói thật để chứng minh điều này là không thể, xem như bài toán đánh đố doanh nghiệp.

Có doanh nghiệp không vay được các khoản vay mới do chưa có hợp đồng, trong khi các hợp đồng dự án bị chậm là do ảnh hưởng dịch bệnh. Còn đối với các gói hỗ trợ về gia hạn, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, kinh phí công đoàn đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có quy định điều kiện để doanh nghiệp được hưởng là “50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh”. Với điều kiện trên thì doanh nghiệp gần như “chết lâm sàng”, chưa kể việc doanh nghiệp chứng minh thiệt hại 50% cũng vô cùng phức tạp.

Hiện tại công ty chúng tôi tự thân vận động là chính, và mong sẽ vượt qua mọi khó khăn như bao doanh nghiệp khác, mình còn trụ được với nghề là may mắn và hạnh phúc lắm rồi.

Xin cám ơn ông!

Thanh Loan (thực hiện)

Theo DNVN