Doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục gặp khó

 Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, với tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục của chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận vào quý IV/2022, các doanh nghiệp ngành này, đặc biệt là các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tiếp tục gặp khó trong quý I năm nay.

Tốc độ tăng trưởng thấp kỷ lục

Chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) trong từng tháng quý IV/2022 ghi nhận sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, tháng 10 tăng 5,5%, tháng 11 tăng 3,5% và tháng 12 chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 12/2022 so với tháng 11/2022, chỉ số SXCN giảm 1%.

Chia sẻ về tình hình sản xuất công nghiệp quý IV/2022, bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, với mức tăng trưởng 3% của chỉ số SXCN quý IV/2022, có thể nói đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 quý của năm 2022. So với số liệu quý IV từ năm 2012 trở lại đây, đây cũng là năm có tốc độ tăng trưởng SXCN quý IV thấp nhất.

Trong đó, ngành chế biến chế tạo (CBCT) là nhóm ngành có mức độ tăng trưởng thấp nhất trong các quý năm 2022, và cũng là mức thấp nhất của quý IV từ năm 2012 trở lại đây.

Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) của ngành công nghiệp CBCT quý IV/2022 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy có sự cùng nhịp tương tự với chỉ số SXCN

Doanh nghiệp công nghiệp tiếp tục gặp khó - Ảnh 1

Chỉ số SXCN tăng trưởng 3% trong quý IV/2022, mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 quý của năm 2022.

Cụ thể, đối với chỉ số cân bằng chung lần đầu tiên trong quý IV trong 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp CBCT đã giảm xuống mức dưới 0%. Trong điều kiện bình thường, kể cả năm có dịch 2020 - 2021, chỉ số cân bằng ở quý IV luôn luôn có mức dương, phản ánh số doanh nghiệp (DN) SXKD thuận lợi cao hơn số DN SXKD khó khăn.

Tuy nhiên, trong quý IV năm 2022, số DN nhận định tình hình SXKD khó khăn hơn cao hơn số DN nhận định tình hình SXKD thuận lợi hơn. Đây là cũng điểm đặc biệt của quý IV/2022.

Trong đó, khu vực FDI bị ảnh hưởng nhiều nhất và nặng nhất. Cụ thể, liên quan đến kết quả điều tra xu hướng SXKD, chỉ số cân bằng chung quý IV so với quý III là - 1,1%. Trong đó chỉ số cân bằng khu vực DN ngoài Nhà nước và Nhà nước vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, lần lượt ở mức 4,8% và 1,6%.

Tuy nhiên, khu vực FDI, chỉ số cân bằng chung giảm xuống mức -14,7%, cách biệt khá xa so với chỉ số cân bằng chung của toàn bộ khu vực DN cũng như khu vực DN Nhà nước và ngoài Nhà nước.

Liên quan đến chỉ số cân bằng thành phần của khu vực FDI trong quý IV so với quý III/2022 đã giảm sâu ở 3/4 tiêu chí: số lượng đơn hàng, sử dụng lao động và khối lượng sản xuất.

Về khối lượng đơn hàng quý IV so với quý III/2022, chỉ số cân bằng của DN Nhà nước và ngoài Nhà nước chỉ ở mức 0,3% và 1,1%. Tuy nhiên, chỉ số đơn đặt hàng này cũng đã cao hơn rất nhiều so với khu vực FDI. Chỉ số cân bằng của khu vực DN FDI giảm sâu -20,4%, đồng nghĩa số DN FDI nhận định khối lượng đơn hàng giảm gấp 1,9 lần số DN FDI nhận định đơn hàng tăng.

Tương tự như vậy, đối với đơn đặt hàng xuất khẩu cũng cùng xu hướng như vậy và có chỉ số xấu hơn. Cụ thể, chỉ số cân bằng số đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV so với quý III/2022 của khu vực DN ngoài Nhà nước là -10,3%, khu vực DN Nhà nước là -16,7%. Đối với DN FDI là -23,1%.

Tương tự, việc sử dụng lao động trong DN cũng bị ảnh hưởng bởi việc giảm đơn hàng cũng như giảm đơn hàng xuất khẩu. Trong quý IV so với quý III, chỉ số cân bằng sử dụng lao động khu vực DN Nhà nước là -8,9%, khu vực DN ngoài Nhà nước là -8%. Trong đó, khu vực DN FDI giảm sâu với mức giảm -29%. Điều này thể hiện số DN FDN nhận định việc sử dụng lao động giảm gấp 2,2 lần số DN FDI nhận định tăng.

Về khối lượng sản xuất quý IV so với quý III, chỉ số cân bằng DN Nhà nước và DN ngoài Nhà nước duy trì ở mức 8% và 7,7%. Chỉ số cân bằng này cao hơn rất nhiều so với chỉ số cân bằng của khu vực DN FDI với mức giảm -13,6%. Cụ thể, số lượng DN FDI nhận định khối lượng sản xuất giảm gấp 1,5 lần số DN FDI nhận định tăng.

Những kết quả này cho thấy SXCN của quý IV tuy sụt giảm nhưng giảm từ từ và không quá xấu. Có thể kể đến một số ngành có sự sụt giảm trong quý IV cũng như cả năm như ngành sản xuất kim loại, sản xuất các sản phẩm cao su và plastic, nhóm hàng sản xuất trang phục...

Doanh nghiệp tiếp tục gặp khó

Với mức sụt giảm tăng trưởng của quý IV, với mức tăng của quý I, II và III và đặc biệt là của quý III tăng trưởng cao, kéo chỉ số SXCN cả năm vẫn có mức tăng trưởng khá, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng này cao hơn mức tăng của năm 2020 và năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng ghi nhận trong năm 2019 - thời điểm chưa có dịch. Năm 2019, chỉ số SXCN toàn ngành SCNC tăng 9,1%.

Tương tự mức tăng trưởng chỉ số SXCN toàn ngành công nghiệp, với nhóm ngành công nghiệp CBCT đóng góp rất lớn vào ngành công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung, có chung nhịp như vậy. Cả năm 2022 tăng 8%, cao hơn 2020 - 2021, tuy nhiên vẫn thấp hơn năm 2019.

Theo bà Phí Thị Hương Nga, tình hình kinh tế thế giới được đánh giá là tiếp tục trên đà khó khăn, có thể phục hồi chậm, giá cả tăng, gây áp lực lên giá cả đầu vào sản xuất tại Việt Nam cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng do Trung Quốc thắt chặt, đóng cửa biên giới.

Bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

"Và đặc biệt là đối với trong nước, khối DN đối mặt với nhiều rủi ro, khó khăn, do đơn hàng xuất khẩu giảm, nhà nhập khẩu chậm thanh toán, tỷ lệ tồn kho tăng cao, tỷ lệ dòng tiền của DN sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 phần nào đã cạn kiệt, nhu cầu vốn lớn của DN lại chậm được đáp ứng. Vì vậy, dự báo trong quý I năm nay, các DN công nghiệp, đặc biệt là những DN công nghiệp CBCT tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn", Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng nói.

Cũng theo chuyên gia, kết quả điều tra sản xuất kinh doanh dự báo quý I/2023 so với quý IV năm 2022 đã có mức cân bằng 0,3%. Tuy nhiên, chỉ số cân bằng này nếu so với quý IV chỉ thể hiện ở số DN khó khăn giảm đi nhưng số DN thuận lợi hơn không tăng hơn nhiều so với quý IV/2022.

Trong đó, đối với khối DN FDI vẫn là khối DN tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong quý I với chỉ số cân bằng chung dự báo đạt là -6,4%, trong khi khu vực DN ngoài Nhà nước và Nhà nước lần lượt là 3,2% và 0,7%.

Nguyệt Minh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam