Doanh nghiệp đã mua lại 142.209 tỷ đồng trái phiếu, tăng 67% cùng kỳ năm ngoái

Theo thống kê của VBMA, từ đầu năm đến nay, thị trường trái phiếu ghi nhận hơn 243.000 tỷ đồng từ 20 đợt phát hành ra công chúng và 389 đợt phát hành riêng lẻ. Các doanh nghiệp cũng thực hiện mua lại 142.209 tỷ đồng trái phiếu, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp mua lại hơn 142 tỷ đồng trái phiếu

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính chung trong ba quý đầu năm 2022 tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lên hơn 142.200 tỷ đồng, tăng tới 67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng tháng 9 chiếm hơn 28.800 tỷ đồng, tương đương tăng 199% so với cùng kỳ năm trước.

Những doanh nghiệp điển hình trong hoạt động tất toán nợ trái phiếu trước hạn phải kể đến Hoàng Anh Gia Lai, Cơ điện lạnh (REE), Công ty Yamagata, An Phát Finance, Ngân hàng OCB... Nhóm bất động sản đứng thứ hai.

Nguồn VBMA
Nguồn VBMA

Chuyên gia của FiinGroup nhận định hoạt động mua lại trước hạn vẫn diễn ra khá phổ biến, nhưng năm nay diễn ra sôi động hơn. Một trong những nguyên nhân phổ biến là nhằm giảm rủi ro áp lực nợ đáo hạn cận kề, trước thực tế các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ.

FiinGroup cho hay: “Tâm lý lo ngại trước sự kiện Tân Hoàng Minh hồi tháng 4 cũng buộc một số doanh nghiệp bất động sản phải tất toán trước hạn hợp đồng mua trái phiếu theo yêu cầu của trái chủ”.

Trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng mua lại trái phiếu trước hạn.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần VKC Holdings (tiền thân là Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, từng gắn liền với hệ sinh thái "Louis" liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân) vừa thông báo tạm hoãn trả lãi trái phiếu 200 tỷ đồng cho các trái chủ, mặc dù 9-9 là ngày đến hạn thanh toán lô trái phiếu VCKH2123001 phát hành vào ngày 9-12-2021.

Dữ liệu FiinGroup và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn (84% tổng giá trị). Chưa kể, áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023 - 2024, do đó việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết.

9 tháng đầu năm có 401 đợt phát hành trái phiếu

Tính từ đầu năm đến hết tháng 9, thị trường trái phiếu ghi nhận 401 đợt phát hành trái phiếu, trong đó có 2 đợt phát hành ra quốc tế, 20 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.499 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 389 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 233.692 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So sánh với cùng kỳ năm trước, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 9% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 45%.

Nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 134.892 tỷ đồng, tương đương 55% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 49.710 tỷ đồng, chiếm 20%. Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10,35%/năm.

Giá trị phát hành theo nhóm ngành
Giá trị phát hành theo nhóm ngành

Mặc dù thị trường đối mặt nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm kiếm cơ hội. Trong kế hoạch năm 2022, hội đồng quản trị Tập đoàn Đất Xanh đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị tối đa 300 triệu USD.

Công ty CP Miền Đông đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm, giá trị phát hành không quá 70 tỷ đồng.

Tập đoàn Trung Nam dự tính huy động tới 500 triệu USD trái phiếu (khoảng 12.000 tỷ đồng) trong vòng ba năm kế tiếp.

Gợi ý chiến lược thích ứng, chuyên gia của FiinGroup cho rằng chào bán trái phiếu ra công chúng là một sự lựa chọn quan trọng trong bối cảnh pháp lý hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn từ khách hàng và đối tác, chủ động minh bạch hồ sơ năng lực tín dụng.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống