Doanh nghiệp đang xuất khẩu trăm tỷ/tháng phải dừng vì không được hoàn thuế
Một doanh nghiệp xuất khẩu trung bình khoảng 420 tỷ đồng/tháng nhưng trong mấy tháng vừa qua đã phải ngừng xuất khẩu vì không hoàn được thuế là dẫn chứng được Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nêu ra để minh họa cho sự bất cập của chính sách hiện nay.
Phát biểu trên của ông Đậu Anh Tuấn được nêu ra tại tọa đàm đối thoại chính sách “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện mới” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 11/7.
Theo ông Tuấn, Chính phủ đã có chỉ đạo về hỗ trợ vốn hay hạ lãi suất cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng rất “vất vả” với các mục tiêu trong quá trình điều hành, tuy nhiên gần đây lại có tình trạng doanh nghiệp bị nợ đọng không hoàn được thuế VAT (ví dụ như ngành hàng từ gỗ, sắn…).
Phó tổng thư ký VCCI lấy dẫn chứng về một doanh nghiệp xuất khẩu trung bình khoảng 420 tỷ đồng/tháng nhưng trong mấy tháng vừa qua đã phải ngừng xuất khẩu vì không hoàn được thuế. Ông Tuấn cho rằng doanh nghiệp đang khó khăn về vốn thì nay lại bị “đọng” vốn vì không được hoàn thuế. Điều này cho thấy chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn hay hạ lãi suất còn đang rất vướng.
Ông Tuấn cũng lấy một ví dụ khác, cụ thể tại một cuộc hội thảo về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã có nhiều doanh nghiệp nói “chua chát” rằng trong giai đoạn này đáng ra phải thảo luận các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp về việc giảm thuế, thì lại ngồi thảo luận đừng bổ sung ngành của doanh nghiệp đó vào diện tăng thuế.
“Một mặt chúng ta đang dành rất nhiều thời gian và công sức để giảm thuế 2% VAT, mặt khác thuế tiêu thụ đặc biệt (Bộ Tài chính soạn thảo) lại bổ sung rất nhiều ngành hàng vào diện bị đánh thuế. Nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách như vậy là bất nhất và không hợp lý”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông Tuấn đánh giá hiện nay có nhiều chi phí bị “chồng lấn”. Đơn cử, có một số ngành hàng vừa bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến chi phí tăng cao nhưng nhà nước lại đang bắt đầu lộ trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trách nhiệm về phí tái chế. Điều này sẽ làm cho “phí chồng phí” và nếu theo lộ trình như vậy thì sẽ có rất nhiều ngành hàng ở Việt Nam hiện nay rất khó cạnh tranh.
“Vấn đề cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm nhất hiện nay là giải pháp cải cách thể chế, chính sách. Trong khi đó, dường như lãnh đạo đang nói nhiều về mục tiêu chính sách, còn cách thức cải cách, cải cách những lĩnh vực nào, trách nhiệm các bộ, ngành ra sao, những lộ trình nào cần phải giảm thì lại ít được đưa ra thảo luận, mà chủ yếu thảo luận về mục tiêu cần phải đạt được”, ông Tuấn cho hay.
Tại buổi toạ đàm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết nội tại nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu, cả trong công tác quản lý, điều hành và năng lực ứng phó, vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Giai đoạn này là cơ hội cho Việt Nam nhận diện lại tất cả cấu trúc của nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng như năng lực thực sự của nền kinh tế, kết hợp doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại yếu kém, việc điều chỉnh cách thể chế chính sách.
“Chúng ta mới chỉ nới chính sách, nếu không làm đột phá chính sách sẽ không giải quyết được vấn đề và lúc khó khăn như này thì cần phải có giải pháp khác thường”, ông Thiên nhấn mạnh.
GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá các chính sách hỗ trợ thuế và phí cho doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua là một chính sách rất kịp thời, đặc biệt liên quan đến chính sách tài khoá để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Tuy nhiên, tài khoá bao giờ cũng có độ trễ lớn hơn so với chính sách tiền tệ. Tôi kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2023 chính sách này sẽ kịp thẩm thấu đến doanh nghiệp”, ông nói.
Ông Thành cũng cho biết bên cạnh chính sách giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, trong một mô hình tăng trưởng như của Việt Nam hiện nay, chủ yếu dựa trên đầu tư, trong khi khu vực đầu tư tư nhân đang bị thu hẹp vì gặp nhiều khó khăn, trong 6 tháng cuối năm 2023 đầu tư công phải là điểm nhấn để nâng cao chất lượng, quy mô đầu tư công và làm “bệ đỡ” cho quá trình đầu tư chung của nền kinh tế.
Đề xuất các giải pháp kích cầu, gợi ý về chính sách, TS Johnathan Picus, Kinh tế trưởng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ để kích cầu. Việc nới lỏng chuẩn cho vay và hạ thấp lãi suất làm giảm chất lượng tài sản, điều này tạo ra "bong bóng tài sản".
Chính vì vậy, Việt Nam cần nhiều công cụ chính sách tài khoá hơn, cụ thể như đầu tư công cần tập trung, gắn liền với chính sách công nghiệp và thương mại. Hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội cần mở rộng và hiện đại hoá.
Xem thêm: Nhiều tiền như Prudential Việt Nam: Lãi hơn 3.600 tỷ, đầu tư hơn 15.000 tỷ vào TPDN