Doanh nghiệp gạch ốp lát đang 'sống' ra sao?

Loạt doanh nghiệp gạch ốp lát như Cty cổ phần CMC (CVT), Vitaly (VTA) hay Viglacera Hạ Long (VHL) đang làm ăn ra sao giữa mùa dịch?

Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp gạch ốp lát 

Tại CTCP Viglacera Tiên Sơn (VIT) với dòng sản phẩm gạch Granite đã ghi doanh thu thuần năm 2020 đạt 1.291 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với doanh thu đạt được năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm 17,6% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 59 tỷ đồng. EPS đạt 3.047 đồng.

Kết thúc quý 1/2021, VIT tiếp tục ghi nhận doanh thu thuần giảm 9% so với cùng kỳ, đạt 229 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ tăng nhẹ 2% lên mức 5 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 1/2021 tại VIT (Nguồn: BCTC quý 1/2021)  
Kết quả kinh doanh quý 1/2021 tại VIT (Nguồn: BCTC quý 1/2021)  
Trong khi đó, doanh thu thuần tại Cty Gạch men Thanh Thanh (TTC) giảm nhẹ so với quý 1/2020, đạt hơn 63 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tại công ty này tăng 57% lên mức hơn 5,5 tỷ đồng.

Éo le hơn là trường hợp của Viglacera Hạ Long (VHL).

Cụ thể, quý 1/2021, VHL ghi nhận doanh thu thuần đạt 364,7 tỷ đồng giảm 16% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán cũng giảm nên lợi nhuận gộp đạt gần 68 tỷ đồng giảm 8% so với quý 1/2020. Lãi ròng quý 1/2021 tại VHL chỉ còn vỏn vẹn 280 triệu đồng, giảm mạnh so với mức hơn 23 tỷ đồng của quý 1/2020 – Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất theo quý mà VHL đạt được kể từ năm 2012.

Thậm chí, Cty cổ phần Vitaly (VTA) ghi nhận lỗ sau thuế hơn 1,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 đạt hơn 1 tỷ đồng. Doanh thu thuần giảm 26% so với cùng kỳ, xuống mức gần 47 tỷ đồng. 

...vẫn có doanh nghiệp 'sống' tốt?

Cty cổ phần CMC (mã CVT - sàn HoSE) là một doanh nghiệp gạch ốp lát, kinh doanh vật liệu xây dựng - vốn được cho là phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng lắm thăng trầm. Kết thúc năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, CVT ghi nhận doanh thu 1.360 tỷ đồng, lãi trước thuế 151 tỷ đồng; lần lượt giảm 14% và 27% so với năm 2019. Lãi sau thuế 120 tỷ đồng, giảm 28%.

Đến quý 1/2021, CVT cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá khả quan nhưng tốc độ tăng trưởng lại chậm hơn so với các quý trước.

Cụ thể, doanh thu thuần tại CMC tăng 62% so với cùng kỳ đạt 262,5 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng được tiết giảm đáng kể nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên 257%, lên mức 12,8 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các loại chi phí và thuế, công ty thu về  gần 1,8 tỷ đồng LNST, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, nếu so sánh với các quý gần đây có thể thấy doanh thu và lợi nhuận tại CVT đều giảm mạnh.

Doanh nghiệp gạch ốp lát đang 'sống' ra sao? - Ảnh 1

Đáng chú ý, chỉ số ROEA (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân) tại CVT giảm mạnh qua các quý. Từ 5,8% trong quý 2/2020 xuống còn 0,24% trong quý 1/2021.

Tương tự, chỉ số ROAA (Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản bình quân) cũng giảm mạnh từ 3,43% trong quý 2/2020 xuống còn 0,13% trong quý 1/2021.

Doanh nghiệp gạch ốp lát đang 'sống' ra sao? - Ảnh 2

Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, ban lãnh đạo CVT đã khá ‘thận trọng’ khi giảm chỉ tiêu lợi nhuận.

Cụ thể, CVT kỳ vọng doanh thu trong năm 2021 sẽ đạt mức 1.450 tỷ đồng, cao hơn mức thực hiện 2020 gần 7%. Tuy nhiên, CVT chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh năm 2021 đạt 150 tỷ đồng, trong khi năm 2020 đạt hơn 151 tỷ đồng. 

Ngoài kết quả kinh doanh, tình hình tài chính tại CVT cũng là vấn đề đáng quan tâm. Tính đến cuối tháng 3/2021, 'kho tiền mặt’ tại CVT giảm 21% so với đầu năm, xuống còn 154,5 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho tăng 18% lên mức 514,6 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tỷ số nợ trên tổng tài sản tại CVT đã tăng lên mức 45,2% và tỷ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu cũng lên mức 46,4%.

Doanh nghiệp gạch ốp lát đang 'sống' ra sao? - Ảnh 3

Thậm chí, khả năng thanh toán lãi vay tại CVT trong quý 1/2021 chỉ đạt 1,47 lần trong khi các quý trước đó đều ghi nhận mức cao. Cụ thể, khả năng thanh toán lãi vay trong quý 2/2020 đạt 11,4 lần; quý 3/2020 đạt 19,5 lần; quý 4/2020 đạt 11,7 lần.

Theo tìm hiểu, khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp cho biết khả năng trả lãi cho các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp dễ gặp tình trạng phá sản nếu hệ số khả năng thanh toán nợ quá thấp.

Nếu hệ số khả năng thanh toán lãi vay của doanh nghiệp càng thấp thì chi phí nợ của doanh nghiệp càng cao. Khi tỷ lệ trả lãi suất của doanh nghiệp là 1,5 lần hoặc thấp hơn, khả năng đáp ứng các chi phí lãi vay có thể là một vấn đề lớn. Tỷ lệ 1,5 lần thường được coi là một tỷ lệ chấp nhận được ở mức tối thiểu cho một doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng thanh toán lãi vay tại CVT chỉ ở mức 1,47 lần.

Ngày 14/5, cổ đông lớn của CVT là CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh đã thoái vốn hoàn toàn khỏi CVT sau khi bán ra thành công toàn bộ gần 3,5 triệu cp (9.52%) đang nắm giữ.

Như vậy, sau ngày 14/05, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Hòa Bình Minh tại CVT chỉ còn 10,38% do các cổ đông cá nhân nắm giữ gồm ông Bùi Minh Lực (4,83%), vợ ông Lực – bà Nguyễn Thị Hiền (4,79%) và chị dâu ông Lực – bà Nguyễn Minh Hồng (0.76%).              

Trước đó, từ ngày 25/03-23/04, CTCP Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) mua vào gần 18,8 triệu cp CVT, chính thức vượt CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh trở thành cổ đông lớn nhất của CVT với tỷ lệ sở hữu đạt 51,14%. 

Diễn biến cổ phiếu CVT từ đầu năm đến nay.  
Diễn biến cổ phiếu CVT từ đầu năm đến nay.  
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CVT leo lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2021 với 54.700 đồng/cp (phiên giao dịch ngày 24/3). Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, giá cổ phiếu CVT dần lao dốc và vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/6, cổ phiếu CVT tiếp tục ghi nhận sắc đỏ, thị giá cổ phiếu ở mức 44.000 đồng/cp, giảm hơn 20% so với đỉnh vừa lập.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ