Doanh nghiệp “ngoại đạo” cũng chuyển hướng đầu tư bất động sản
Mùa đại hội cổ đông năm nay chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp công bố kế hoạch “lấn sân” sang kinh doanh bất động sản. Liệu rằng, thị trường này có thực sự là miếng bánh ngọt dễ ăn cho những nhà đầu tư ngoại đạo
Bất động sản vốn được đánh giá là lĩnh vực đầu tư đem lại lợi nhuận cao, do vậy nhiều doanh nghiệp “ngoại đạo” dù chưa từng kinh doanh địa ốc cũng đã mạnh dạn rót vốn vào dự án nhà ở, bất động sản công nghiệp… Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thị trường bất động sản, chứng khoán tiếp tục nóng lên bởi những kế hoạch chuyển hướng này.
Đầu tiên, là CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX) đã thông qua phương án kinh doanh năm 2021, trong đó có việc tiếp tục rót vốn vào bất động sản để đầu tư. Ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng giám đốc Haxaco cho biết, công ty đầu tư vào bất động sản biệt thự biển thuộc dự án The Hamptons Hồ Tràm trước hết là vì lợi nhuận, hiện tại lợi nhận mang về cho đơn vị này cũng tầm 10%.
Song, theo người đứng đầu Haxaco, công ty có kế hoạch dài hơi hơn đó là biến bất động sản này thành khu nghỉ dưỡng Mercedes Home, dành cho các khách hàng của Mercedes. “Chúng tôi sẽ bố trí toàn bộ biệt thự mang đậm dấu ấn của Mercedes và Haxaco sẽ dùng biệt thự đó để biến thành một điểm khác biệt so với các đại lý khác”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Vị Tổng giám đốc Haxaco cũng chia sẻ thêm, trong năm 2021, công ty có dự định sẽ mở rộng sang đầu tư bất động sản bởi do ảnh hưởng của dịch thì giá đất hiện tại khá rẻ. Haxaco đã và đang khảo sát loạt dự án đất tại các tỉnh thành cho kế hoach triển khai sắp tới.
Không khí đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Xây dựng Smart Construction Group (mã SCG) cũng nóng lên với thông tin doanh nghiệp này bên cạnh vai trò tổng thầu thi công, trong năm nay, đơn vị này sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp với quy mô hàng ngàn hecta tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, SCG chưa tiết lộ chi tiết kế hoạch này.
Tại ĐHCĐ thường niên 2021 của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cũng có một nội dung quan trọng là kế hoạch phát triển mảng kinh doanh bất động sản. Theo đó, doanh nghiệp ngành dệt may này sẽ triển khai đầu tư xây dựng ba tòa tháp Thành Công Tower 1, 2, 3 (TC1, TC2, TC3). Trong đó, dự án TC1 được tái triển khai trên khu đất có diện tích 9.898 m2 tại địa chỉ số 37, Tân Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM. Dự án này đang thực hiện thủ tục pháp lý.
Trả lời chất vấn của cổ đông về lĩnh vực kinh doanh mới, lãnh đạo TCM cho biết, dự án tòa tháp TC1 đang làm thủ tục pháp lý, dự kiến mất khoảng 12 - 15 tháng. Doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản sẽ được ghi nhận khoảng 2 - 3 năm sau.
Hay “đại gia” ngành điện là Tổng công ty CP thiết bị điện Việt Nam (Gelex) cũng đã công khai chiến lược mới của mình với việc rút khỏi mảng logictics, chuyển hướng sang bất động sản khu công nghiệp. Trước đó, Gelex cũng đã đưa ra kế hoạch thực hiện dự án khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại Hoàn Kiếm (Hà Nội)…
Tuy vậy, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về năng lực tài chính, khả năng triển khai dự án của các doanh nghiệp ngoại đạo. Bởi khi đầu tư vào bất động sản, doanh nghiệp phải có nguốn vốn lớn, cũng như kinh nghiệm triển khai các dự án. Cũng không ít doanh nghiệp đã “sa lầy” vào bất động sản gây ảnh hưởng tới thị trường.
Ví như, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh một hãng taxi lớn nhất tại thị trường trong nước về cả thị phần và số lượng đầu xe nhưng cũng từng chuyển hướng đầu tư bất động sản nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Song đơn vị này cũng rơi vào tình cảnh nợ nần trong thời gian dài, cuối cùng đã phải bán bớt để có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích, trong lý thuyết kinh doanh, người ta không bao giờ “bỏ trứng vào một rổ” mà thường đầu tư kinh doanh đa dạng. Sự đa dạng này dựa vào chức năng cốt lõi ngành nghề họ đang làm để đầu tư bên ngoài ngành. Kiểu đầu tư đa dạng hóa này trước tiên giúp phân tán sự rủi ro.
Ở góc nhìn doanh nghiệp “ngoại đạo” lấn sân bất động sản, GS.TS Đặng Đình Đào nhận định: “Nếu doanh nghiệp phát triển chưa đủ sức, chưa đủ mạnh, chưa đủ tầm mà nhảy sang nhiều lĩnh vực thì đó là điều không có lợi. Cụ thể là rủi ro sẽ cao hơn, ví như đang làm công nghiệp chế biến, công nghiệp thực phẩm lại nhảy sang đầu tư địa ốc. Cho nên có thể nói, doanh nghiệp nếu cứ đầu tư theo kiểu phong trào, theo đám đông thì cần phải tính toán lại”.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, thực tế với những doanh nghiệp lớn, huy động được vốn, có mọi điều kiện để kinh doanh tốt thì rõ ràng có thể đầu tư vào bất động sản. Bởi lĩnh vực này có một thời kỳ mang lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam hiện có tới 96 - 98% là doanh nghiệp nhỏ có vốn, kinh nghiệm hạn chế, rõ ràng đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản thì khi thị trường xảy ra “bóng bóng” có thể làm doanh nghiệp khốn đốn, thậm chí phá sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tăng cao nhất trong các năm 2017 - 2021 và tăng ở tất cả các ngành kinh tế. Đồng thời, số vốn đăng ký cũng tăng 41%. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng ở tất cả ngành nghề kinh doanh. Đặc biệt, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có lượng doanh nghiệp mới ra đời tăng mạnh nhất với 56,5%.