BĐS 24h: Nhà đầu tư âm thầm “săn“ quỹ đất công nghiệp ở các thành phố lớn

Nhà đầu tư âm thầm săn quỹ đất công nghiệp ở các TP lớn; Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt “tấn công“ lĩnh vực mới; Vì sao dòng tiền của các NĐT chảy mạnh vào các tài sản rủi ro?... là những tin tức đáng chú ý 24h qua.

Nhà đầu tư âm thầm "săn" quỹ đất công nghiệp ở các thành phố lớn

Nhu cầu đất công nghiệp, nhà xưởng và kho bãi tăng cao đã khiến giá thuê tại các Khu công nghiệp (KCN) trong hoặc gần các thành phố lớn tăng cao. Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, chẳng hạn như dệt may và đồ nội thất.

Theo đó, theo các chuyên gia, để duy trì khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu, cần có thêm nguồn cung đất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu.

Trên thực tế, có một lượng ổn định các KCN mới đang chờ phê duyệt và xây dựng để đáp ứng lượng khách thuê ngày một tăng tại Việt Nam. Các tỉnh ở khu vực phía Nam có kế hoạch mở rộng các khu công nghiệp (KCN) để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ví dụ, tỉnh Long An đã được phê duyệt bổ sung ba KCN mới vào quy hoạch quốc gia, KCN Sài Gòn - Mê Kông có diện tích 200ha, KCN Tân Tập có diện tích 654ha và KCN Lộc Giang có diện tích 466ha.

6 địa phương của tỉnh Đồng Nai như các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch và thành phố Long Khánh có kế hoạch xây dựng thêm các KCN, mỗi KCN từ 200ha đến 900ha, để giải quyết tình trạng thiếu diện tích.

Theo báo cáo của Colliers Việt Nam, tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy và giá chào thuê bất động sản công nghiệp trung bình vẫn cao. Cụ thể, giá chào thuê trung bình cho đất công nghiệp tại TP.HCM trong ba tháng đầu năm 2021 được ghi nhận vào khoảng 165 USD/m2/kỳ - không có sự thay đổi nhiều so với quý IV/2020.

Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp TP.HCM luôn giữ mức cao hơn 85% nên nhìn chung, ảnh hưởng của đợt Covid-19 thứ 3 vào tháng 2/2021 cũng như thời gian nghỉ Tết dài ngày, hoạt động công nghiệp tại TP.HCM trong quý I không có nhiều thay đổi so với quý trước.

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  
Doanh nghiệp địa ốc ồ ạt “tấn công“ lĩnh vực mới

Năm 2021, nhiều doanh nghiệp địa ốc đặt ra chiến lược đầu tư mới, lấn sân sang lĩnh vực như bất động sản công nghiệp hay năng lượng tái tạo.

Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng ngày 27/4, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland) tuyên bố về chiến lược đầu tư bất động sản công nghiệp trong năm 2021.

Theo đó, Novaland sẽ nghiên cứu, đầu tư thêm vào mảng bất động sản công nghiệp tại các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An,... với thương hiệu Nova Industrial Park. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn phát triển ngành xây dựng (quản lý dự án, thi công xây dựng) và nguyên vật liệu (vật liệu xây dựng, nhôm kính) và các dự án hạ tầng giao thông.

Không chỉ Novaland, nhiều ông lớn địa ốc cũng công bố sẽ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt tuyên bố về kế hoạch mở rộng thị trường, tấn công sang mảng bất động sản công nghiệp bằng việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt.

Tập đoàn Sunshine Group cũng góp tên vào danh sách doanh nghiệp địa ốc sẽ lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp, cầu cảng, đặc biệt là xây dựng dân dụng. Sunshine đã thành lập Công ty cổ phần Xây dựng Smart Construction Group (SCG). Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm, năm 2021 sẽ là năm bùng nổ của Sunshine Group với 3 thế mạnh: Bất động sản - xây dựng - tài chính...

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  
Vì sao dòng tiền của các nhà đầu tư chảy mạnh vào các tài sản rủi ro?

Trong bối cảnh thanh khoản trên các thị trường dồi dào, các tài sản rủi ro là một lựa chọn của các nhà đầu tư, với lượng trái phiếu xếp hạng dưới mức đáng đầu tư hiện vào khoảng 2.000 tỷ USD.

Trong khi đó, dòng tiền cũng chảy mạnh vào các quỹ và các sản phẩm liên quan đến tiền kỹ thuật số, với giá trị thị trường lần đầu tiên đạt mức 2.000 tỷ USD.

Đại dịch COVID-19 cũng đang khiến các xu hướng dài hạn mạnh lên, với đầu tư cho số hóa, tự động hóa và đầu tư bền vững đang ngày càng được chú trọng.

Những tài sản mang tính rủi ro cao gần đây đã trở thành lựa chọn đầu tư trong bối cảnh tình hình thanh khoản khá dồi dào trên các thị trường toàn cầu, dù lãi suất vẫn ở mức thấp kỷ lục.

Các công ty trên thế giới đang phát hành ngày càng nhiều trái phiếu có xếp hạng dưới mức đáng đầu tư hoặc những trái phiếu được xếp hạng dưới BBB.

Trong ba tháng đầu năm 2021, một lượng trái phiếu kỷ lục là 208,3 tỷ USD đã được phát hành. Theo ước tính của thị trường, tổng số lượng trái phiếu không đáng đầu tư đang lưu hành hiện vào khoảng 2.000 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán, SPAC, tức là các công ty mua lại có mục đích đặc biệt, đang ngày càng gia tăng, huy động được tổng cộng 217,9 tỷ USD trong thời gian từ giữa năm 2016 đến tháng 3/2021...

Báo lãi đậm, “sức khoẻ“ ngành ngân hàng có tốt?

Ảnh minh họa.  
Ảnh minh họa.  
Trái với những nhận định của nhiều chuyên gia vào năm 2020 cho rằng, "sức khoẻ" của ngành ngân hàng có thể suy giảm do “thấm” ảnh hưởng tác động của Covid-19 nhưng ngay trong quý I, ngân hàng liên tục báo lãi đậm.

Bức tranh của ngành ngân hàng trong quý I đang cho thấy sự khởi sắc lớn khi nhiều ngân hàng công bố lãi lớn. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố, lợi nhuận trước thuế lên đến 5.518 tỷ đồng, tăng tới 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mảng tín dụng là đầu tàu dẫn dắt mức tăng trưởng cao trên. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay, mảng tín dụng đem về cho Techcombank tới 6.123 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với các mảng phi tín dụng, tổng lãi thuần đem về trong quý là 2.809 tỷ đồng, tăng tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt 1.325 tỷ đồng, tăng trưởng 41% nhờ các phân khúc thanh toán, bảo hiểm, môi giới kinh doanh chứng khoán và quản lý quỹ. Mảng kinh doanh ngoại hối thì đạt lãi thuần 65,6 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ thuần 28,3 tỷ đồng cùng kỳ.

Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư cũng đều ghi nhận tăng trưởng tốt, đạt lần lượt 134 tỷ đồng và 611 tỷ đồng, tăng trưởng 84% và 10%. Dù chi phí hoạt động tăng 16%, việc thu nhập tăng mạnh ở cả mảng tín dụng và phi tín dụng đã giúp lợi nhuận thuần tăng của Techcombank trong quý I/2021 tăng tới 64% so với quý I/2020, đạt 6.369 tỷ đồng.

Linh Chi (Tổng hợp)

Theo Reatimes