Doanh nghiệp vận tải biển lãi đậm quý đầu năm

Được hưởng lợi từ giá vận chuyển hàng hóa tăng cao, ngay quý đầu năm, các doanh nghiệp vận tải biển báo lãi đậm thậm chí có doanh nghiệp khiến cổ đông “ngây ngất” với lợi nhuận khủng mặc cho những năm trước đó lỗ nặng.

Giá vận chuyển hàng hoá tăng cao giúp cho các doanh nghiệp logistics được hưởng lợi, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển.  
Giá vận chuyển hàng hoá tăng cao giúp cho các doanh nghiệp logistics được hưởng lợi, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển.  

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong quý đầu năm ước đạt 179,6 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt một phần tư kế hoạch năm. Trong đó, hàng container tiếp tục có đà tăng 6%, đạt gần 6,3 triệu TEUs.

Ngoài ra, giá cước tăng cao cũng hợp sức tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải biển.  Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cước vận tải biển đi Mỹ từ mức 3.000 USD/container trước dịch Covid-19 hiện nay đã lên từ 13.000 - 14.000 USD/container đi bờ Tây, còn đi bờ Đông là 17.000 USD/container. Cước tàu đi châu Âu dao động từ 12.000 - 14.000 USD/container. 

Các doanh nghiệp cảng biển được đánh giá tiếp tục hưởng môi trường kinh doanh thuận lợi. Chứng khoán Mirea Assets Việt Nam (MASVN) cho rằng, ngành này còn nhiều động lực từ việc thu hút FDI, hoạt động sản xuất cải thiện, vận tải đường thủy phục hồi và tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nhiều triển vọng.

Nhu cầu cao, cước vận tải tăng mạnh tiếp tục làm bệ đỡ cho lợi nhuận nhiều doanh nghiệp vận tải biển tăng cao.

Trong quý đầu năm, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) ghi nhận lợi nhuận hơn 260 tỷ đồng, hoàn thành hơn một nửa kế hoạch năm. Con số này tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước và tiệm cận mức lãi kỷ lục của quý liền trước.

Theo lý giải của Ban Tổng giám đốc, doanh thu và lợi nhuận kỳ này tăng do công ty đầu tư thêm tàu HA East và HA West vào tháng 4 và 5/2021 dẫn đến số lượng tàu năm nay nhiều hơn quý 1 năm trước. Ngoài ra, giá cước vận tải nội địa cũng tăng, giá cho thuê tàu tăng mạnh và số tàu cho thuê nhiều này cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, lợi nhuận ghi nhận của các công ty liên kết cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. 

Cũng có lợi nhuận tăng bằng lần, quý 1, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN) lãi gấp đôi so với cùng kỳ 2021, đạt gần 690 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, mặt bằng cước vận tải biển quốc tế duy trì ở mức cao từ cuối quý 1/2021 đã tạo tiền đề thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của công ty. 

Tương tự, lãi sau thuế CTCP Container Việt Nam (HoSE: VSC) bật tăng 42,5% so với cùng kỳ lên 109,5 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất của Viconship từ trước tới nay.

CTCP Gemadept (HoSE: GMD) lãi ròng đạt 319 tỷ đồng - tăng đến 85% so với cùng kỳ. 

Riêng Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) có mức tăng lãi đột biến tới 12,5 lần, tuy nhiên con số tuyệt đối vẫn nhỏ so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, chỉ hơn 40 tỷ đồng…

Một doanh nghiệp khác là CTCP Transimex (HoSE: TMS) báo lãi 263 tỷ đồng cao gấp 2,6 lần quý 1/2021. Lãi suất sau thuế thuộc về công ty mẹ là 248 tỷ đồng tương đương EPS đạt 2.484 đồng.

Công ty CP vận tải biển VN (VOS) cũng gây ấn tượng cho cổ đông. Báo cáo quý 1/2022, VOS  lợi nhuận sau thuế đạt hơn 55,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 19 tỷ đồng.

Minh Vân

Theo Chất lượng và Cuộc sống