Phát triển Cái Mép - Thị Vải thành đầu mối cảng biển đẳng cấp thế giới

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ là 1 trong 2 cảng biển trung chuyển quốc tế.

Tần suất các “tàu mẹ” cập cảng Cái Mép - Thị Vải tăng trưởng liên tục

Theo quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cái Mép - Thị Vải thuộc nhóm cảng biển số 4 với tổng cộng 9 khu bến và bến cảng, gồm khu bến Cái Mép, Phú Mỹ, Mỹ Xuân (trên sông Thị Vải), Sao Mai - Bến Đình, Long Sơn, Sông Dinh; bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ…

Trong đó, khu bến Cái Mép có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đây là khu cảng có thể đón được tàu container có trọng tải từ 80.000 - 250.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Khu bến Thị Vải được quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Khu vực này quy hoạch để đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn, đón tàu 60.000 tấn tại Mỹ Xuân và 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An.

Nói về quy hoạch trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, đó chính là những tiền đề để hệ thống cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhất là trong việc đón “siêu tàu”.

Bất chấp đại dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, số lượng tàu container trọng tải lớn vào rời khu vực Cái Mép - Thị Vải vẫn tăng cao.
Bất chấp đại dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, số lượng tàu container trọng tải lớn vào rời khu vực Cái Mép - Thị Vải vẫn tăng cao.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tần suất các “tàu mẹ” cập hệ thống cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải tăng trưởng liên tục, ngay cả khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, trong 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng xuất nhập khẩu vẫn đạt khoảng trên 3,5 triệu TEU, tăng 25% so với cùng kỳ 2020. Số lượng tàu container trọng tải lớn từ trên 80.000 DWT đến 200.000 DWT vào rời khu vực Cái Mép - Thị Vải đạt hơn 900 lượt, tăng trên 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, đội tàu container có sức chở lớn nhất thế giới, chuyên chở lượng hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam thường xuyên ra vào khu vực cụm cảng container nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, như: Tàu Margrethe Maersk, trọng tải 214.121 DWT, chiều dài 399,23m, chiều rộng 59m; Tàu Cosco Shipping Aquarius, trọng tải 197.049 tấn DWT, chiều dài lớn nhất 400 m, chiều rộng 58,6m…

Cái Mép - Thị Vải cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng Portcoast cho biết, khu vực Cái Mép - Thị Vải gần như không có đối thủ trên dọc trục đường biển dài 3.260km của Việt Nam về mặt kinh tế khi nằm trên trục 29/39 tuyến hàng hải lớn nhất thế giới, giúp kết nối các nước châu Á trên tuyến vận tải quốc tế đi các châu lục khác. Quỹ đất để phát triển cảng tại khu vực này lên đến gần 2.000ha và là 1 trong 21 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận được tàu tải trọng lên đến 200.000 tấn.

Tuy nhiên, với những lý do khách quan, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn chưa đạt mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

Cụm cảngCái Mép - Thị Vải sẽ sớm trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế như mục tiêu quy hoạch đã đề ra.
Cụm cảngCái Mép - Thị Vải sẽ sớm trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế như mục tiêu quy hoạch đã đề ra.

Theo Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), để Cái Mép - Thị Vải trở thành một trong những cụm cảng trọng điểm quốc gia xứng tầm thế giới, Bộ Giao thông vận tải cần xem xét, quy hoạch lại tuyến bến cho một số cảng tại Cái Mép - Thị Vải như: Gemalink, Cái Mép Hạ, cảng trung tâm logistics… là những cảng đang xây dựng hoặc sẽ xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai đến 2050 nhằm tận dụng tối đa mặt nước, chiều sâu tự nhiên của cảng.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án thành lập trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung và địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung để giải phóng hàng hóa nhanh chóng ra khỏi cảng xếp dỡ/trung chuyển, nhằm tăng khả năng tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các depot container (bãi tập kết container), bãi tập kết hàng hóa, phương tiện để tránh tình trạng container hàng thì giao nhận tại Cái Mép - Thị Vải, container rỗng thì giao nhận tại khu vực TP. Hồ Chí Minh như hiện nay.

Bên cạnh đó, sớm nghiên cứu triển khai mô hình khu phi thuế quan. Đây là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nói chung.

Vũ Bảo

Theo Doanh nghiệp Việt Nam