Doanh nghiệp xây dựng quý I: Vẫy vùng giữa vũng lầy
Quý I/2023 tiếp tục là một quý đầy rẫy khó khăn đối với các doanh nghiệp xây dựng. Ở quý này, doanh nghiệp nếu lãi thì lãi “bé hạt tiêu”, còn nếu lỗ thì đó lại là những khoản lỗ khổng lồ.
Lao dốc
Khi quý I/2023 khép lại, “thở dài” có lẽ là mẫu số chung đối với những người làm trong ngành xây dựng. Không thở dài sao được khi 3 tháng đầu năm nay đã nối tiếp “truyền thống khó khăn” của ngành đã được gây dựng trong 3 quý trước đó, hay dài hạn hơn là 3 năm trước đó: việc ít, cạnh tranh nhiều, chi phí dâng cao, càng làm càng lỗ, nợ đọng tràn lan, dòng tiền căng thẳng…
Số liệu kinh doanh quý I, được công bố từ trung tuần tháng 4 đến thượng tuần tháng 5 vừa qua, đã làm cho tiếng thở… thêm dài. Thống kê của Đầu tư Tài chính đối với 15 doanh nghiệp xây dựng cỡ lớn đang niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) và tự công bố thông tin, cho thấy có tới 13/15 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu - lợi nhuận suy giảm hoặc lỗ trước thuế.
Trong số này, nặng nhất là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC). Doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam năm 2021 này (xét theo doanh thu) đã “đánh mất mình” trong năm 2022 và cơn khủng hoảng chưa từng có trong hơn 30 năm lịch sử tiếp tục tràn sang năm 2023 theo một cách khó có thể dữ dội hơn.
Theo đó, doanh thu quý I/2023 của HBC giảm tới 60% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.194 tỷ đồng, thấp nhất kể từ sau quý III/2015. Đã thế, HBC lại còn kinh doanh dưới giá vốn, dẫn đến khoản lỗ gộp 202 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ gộp thứ 2 liên tiếp. Chịu thêm chi phí tài chính rất lớn, kết quý I/2023, HBC lỗ trước thuế 442 tỷ đồng, lỗ sau thuế 445 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ sau thuế thứ 2 liên tiếp và là khoản lỗ sau thuế thứ 3 trong lịch sử công bố thông tin, đưa mức lỗ lũy kế lên 1.137 tỷ đồng – một điều chưa từng có.
Cũng chung cảnh thua lỗ với HBC là Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) và Tập đoàn Đua Fat (UPCoM: DFF) với mức lỗ trước thuế lần lượt là 17 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Không đến nỗi thua lỗ như các doanh nghiệp trên, song lợi nhuận của các “ông lớn” xây dựng khác như: Ricons, Coteccons (HoSE: CTD), Tổng công ty Thăng Long (UPCoM: TTL), Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG), Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (UPCoM: HAN), Tổng công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1), Licogi 18 (HNX: L18), Tập đoàn Cotana (HNX: CSC), Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (UPCoM: VGV) đều chịu cảnh suy giảm rất mạnh so với cùng kỳ. Đáng nói, hầu hết đó còn là các khoản lợi nhuận từ nhỏ đến rất nhỏ.
Cụ thể, chỉ có 4/10 doanh nghiệp nói trên có lợi nhuận trước thuế đạt hàng chục tỷ đồng, gồm: CTD đạt 29 tỷ đồng, giảm 25%; CSC đạt 25 tỷ đồng, giảm 62%; Ricons đạt 18 tỷ đồng, giảm 27% và CC1 đạt 11 tỷ đồng, giảm 35%. Còn lại, lợi nhuận của các doanh nghiệp chỉ đạt vài tỷ đồng, thậm chí chỉ vài trăm triệu đồng, gồm: TTL đạt 6 tỷ đồng, giảm 1%; SCG đạt 4 tỷ đồng, giảm 81%; PHC đạt 3 tỷ đồng, giảm 66%; VGV đạt 2,7 tỷ đồng, giảm 57%; L18 đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 62% và HAN đạt 551 triệu đồng, giảm 87%.
Đáng chú ý, trong số các doanh nghiệp có lãi này, HAN chịu lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh (-315 triệu đồng) và chỉ thoát lỗ nhờ khoản lợi nhuận khác “còm cõi” 866 triệu đồng. Còn SCG sau khi khấu trừ thuế thì quý I/2023 hóa lãi thành lỗ 5,3 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ sau thuế thứ 2 liên tiếp.
Doanh nghiệp xây dựng hiếm hoi có lợi nhuận tăng trưởng trong quý I/2023 là Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) và Fecon (HoSE: FCN). Cụ thể: SJG có doanh thu 1.045 tỷ đồng, tăng 18% và lợi nhuận trước thuế 91 tỷ đồng, tăng 18%; FCN có doanh thu 609 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận trước thuế 4,5 tỷ đồng, đảo chiều so với khoản lỗ 1,1 tỷ đồng của cùng kỳ. Như vậy, có thể thấy, ngay cả các doanh nghiệp có tiếng là có lợi nhuận tăng trưởng thì con số lợi nhuận cũng chỉ ở mức khiêm tốn.
Đau đầu
Ngoài sự sụt giảm của kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp xây dựng cũng phải “đau đầu” với sự chuyển biến xấu của chất lượng tài sản và dòng tiền. Thống kê cho thấy, có tới 10 trong 15 doanh nghiệp được khảo sát nêu trên ghi nhận giá trị của các khoản phải thu chiếm trên 40% tổng tài sản, gồm: DFF (1.855 tỷ đồng, tăng 8%, chiếm 41%), FCN (3.516 tỷ đồng, tăng 5%, chiếm 44%), PHC (1.303 tỷ đồng, chiếm 50%), TTL (1.165 tỷ đồng, tăng 6%, chiếm 50%), HAN (3.833 tỷ đồng, chiếm 53%), CC1 (7.964 tỷ đồng, chiếm 54,6%), Ricons (4.119 tỷ đồng, chiếm 57%), CTD (11.723 tỷ đồng, chiếm 58%), HTN (6.156 tỷ đồng, chiếm 67%) và HBC (12.286 tỷ đồng, chiếm 72%).
Không chỉ thế, nhiều khoản phải thu còn trở thành nợ xấu, khiến các doanh nghiệp xây dựng phải trích lập dự phòng rất lớn. Trong số này, dự phòng của SJG là lớn nhất với 2.198 tỷ đồng, tiếp đến là CTD với 1.062 tỷ đồng (tăng 1,2%), HBC với 786 tỷ đồng (tăng thêm 12 tỷ đồng), TTL với 163 tỷ đồng, HAN với 159 tỷ đồng, L18 với 76 tỷ đồng…
Tỷ trọng lớn của các khoản phải thu và đặc biệt là giá trị của các khoản dự phòng nêu trên cho thấy chất lượng tài sản của các doanh nghiệp xây dựng đang trong tình trạng khá xấu, thậm chí “trở nặng” hơn so với trước đây. Điều này là do các chủ đầu tư gặp khó khăn về dòng tiền, dẫn đến chậm thanh toán kéo dài cho các doanh nghiệp xây dựng.
Để có thể duy trì hoạt động (bao gồm thanh toán cho thầu phụ, nhà cung cấp), các doanh nghiệp xây dựng lớn (thường đóng vai tổng thầu, nhà thầu chính) phải tăng cường vay mượn. Hệ quả là nợ vay của các doanh nghiệp này tăng lên khá mạnh mẽ, chẳng hạn như: FCN tăng 12% lên 3.050 tỷ đồng, CTD tăng 8% lên 1.162 tỷ đồng, HAN tăng 7,5% lên 998 tỷ đồng, DFF tăng 0,6% lên 2.207 tỷ đồng, TTL tăng 14% lên 767 tỷ đồng, L18 tăng 8% lên 1.703 tỷ đồng… Các doanh nghiệp như HBC, CC1 mặc dù không gia tăng nợ vay, song vẫn tiếp tục duy trì dư nợ khổng lồ với HBC là 5.527 tỷ đồng, CC1 là 6.508 tỷ đồng.
Hệ quả tất yếu là chi phí tài chính trở thành một gánh nặng đối với các doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Ghi nhận quý I/2023, chi phí tài chính của các doanh nghiệp đều tăng rất mạnh, cụ thể của FCN là 69 tỷ đồng, tăng 47%, của CTD là 32 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần, của TTL là 17 tỷ đồng, tăng 68%, của SCG là 113 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần, của HBC là 137 tỷ đồng, tăng 45%, của DFF là 33 tỷ đồng, tăng 57%...
Trong một cuộc trao đổi với Đầu tư Tài chính, CEO một tập đoàn xây dựng lớn cảm thán “Mặt bằng lãi suất hiện tuy có giảm, song vẫn ở mức tương đối cao so với khả năng chịu dựng của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Hầu hết các nhà thầu làm chỉ đủ để trả chi phí cho ngân hàng”.
Chủ tịch một tập đoàn xây dựng cũng than vãn: “Từ quý III năm ngoái tới giờ, công nợ cực kỳ khó thu hồi. Chúng ta đã đi vay ngân hàng để có tiền thi công, nhưng thi công xong thì chủ đầu tư chậm trả. Chúng ta bỏ tiền ra làm mà chưa thu hồi được, nên nợ vay tăng lên. Hầu như lợi nhuận của chúng ta được quyết định bởi việc tiết kiệm được bao nhiêu chi phí tài chính”.
Thực trạng các doanh nghiệp xây dựng phải “gánh còng lưng” chi phí tài chính đang rất phổ biến. Với chi phí cao ngất, lợi nhuận của các doanh nghiệp không những bị ăn mòn mà cấu trúc tài chính cũng trở nên chông chênh hơn, rủi ro nhiều hơn. Tính toán của Đầu tư Tài chính đối với 15 doanh nghiệp xây dựng cỡ lớn cho thấy có không ít đơn vị đang có tỷ lệ đòn bẩy từ mức đáng quan ngại cho tới rủi ro cao, điển hình như: CC1 (2,56 lần) TTL (2,78 lần) PHC (2,94 lần) HAN (3,42 lần) DFF (4,17 lần) L18 (5,35 lần) HBC (6,15 lần)… trong số này, tỷ lệ đòn bẩy của một số doanh nghiệp đang tăng mạnh so với đầu năm.
Rất khó trách các doanh nghiệp xây dựng trong việc quản trị rủi ro, bởi tình hình thị trường hiện nay là rủi ro ở mọi nơi. Trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh âm nặng (quý I/2023: SJG âm 30 tỷ đồng, CSC âm 70 tỷ đồng, Ricons âm 126 tỷ đồng, TTL âm 237 tỷ đồng, L18 âm 268 tỷ đồng, HAN âm 394 tỷ đồng, CC1 âm 537 tỷ đồng…) các doanh nghiệp xây dựng chẳng còn cách nào khác là đi vay mà sống, bởi nếu đã chấp nhận “lỗ cũng làm” thì việc nợ vay tăng thêm hay rủi ro tài chính cũng chỉ là thêm muối cho biển mà thôi.
Phải làm sao?
Nói với Đầu tư Tài chính, đại diện một tập đoàn xây dựng trong top 3 thị trường hiện nay cho rằng ngành xây dựng đang trong tình trạng rất nguy hiểm khi các nhà thầu lao vào “cuộc đua xuống đáy” về giá, khi liên tục “dìm” nhau để giành giật hợp đồng. Tình trạng nhận làm bất chấp, nhận làm với bất cứ giá nào không hề hi hữu, dù tự thân các doanh nghiệp cũng hiểu rõ rằng việc đó không khác gì tự ăn thịt mình để chống đói. Song điều còn đáng quan ngại hơn là việc nhận làm với giá quá thấp khiến rủi ro đạo đức xuất hiện nhiều hơn, khi các nhà thầu toan tính thực hiện công trình với chất lượng kém cũng như bỏ qua nhiều nguyên tắc quan trọng của ngành xây dựng.
Vị đại diện nói trên cho rằng cần có một cơ chế mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng này. Ông gợi ý rằng nhà nước có thể thiết lập chính sách vô hiệu hóa các gói thầu có giá thấp dưới mức quy định. Để ngăn chặn sự thông đồng, nhà nước cần có quy chế đấu thầu giá trung bình, nghĩa là tất cả mức giá đấu thầu đều được công khai và chọn trung bình giá của mức cao nhất và thấp nhất.
“Cơ chế trung bình giá sẽ giúp loại bỏ tình trạng cấu kết, thông đồng với nhau. Tất nhiên đây là một thử thách, song nếu muốn cứu ngành xây dựng thì phải có quyết tâm mạnh để làm, còn chỉ biết kêu khóc về những khó khăn thì rất khó trông đợi một chuyển biến nào đáng kể”, ông nói.
Ngành xây dựng Việt Nam hiện tại vẫn đang trông cậy chủ yếu vào hai nguồn, một là sự phục hồi của thị trường bất động sản và hai là việc giải ngân mạnh mẽ vốn đầu tư công. Rất tiếc, cả hai nguồn này đều không dễ trong một sớm một chiều: bất động sản cần tới vài quý để có thể trở lại, còn đầu tư công chưa bao giờ là miếng bánh dễ ăn cũng như đòi hỏi thêm thời gian để tăng tốc.
Xây dựng công nghiệp, năng lượng có thể khả thi hơn, song cạnh tranh cũng rất dữ dội, biên lợi nhuận cũng không thực sự hấp dẫn. Nhưng một miếng khi đói bằng một gói khi no, méo mó có vẫn hơn không, các doanh nghiệp xây dựng giờ đây cũng không có nhiều lựa chọn để đòi hỏi, trừ phi đã tính toán cho mình một lối thoát, ví dụ như bán dự án đầu tư để củng cố dòng tiền.
Tồn tại, giảm lỗ, cố gắng có lãi vì thế vẫn là mục tiêu số 1 của đa phần doanh nghiệp xây dựng bây giờ, còn chuyện tăng trưởng lợi nhuận với những chỉ tiêu cao có lẽ chỉ có những doanh nghiệp top đầu mới có thể bàn tới. Mà thực ra với sự bất định của thị trường, việc bàn cũng chỉ để cố gắng nhiều hơn chứ khó có thể khẳng định đến hết năm, mục tiêu thành hay không thành.