Đổi rừng lấy sân golf: Có bền vững không?

Chạy theo lợi ích kinh tế mà xem nhẹ môi trường có thể trước mắt có lợi cho một nhóm người, nhưng cộng đồng lại chịu thiệt nhiều nhất.

Đề xuất chuyển đổi hơn 174ha rừng thông để làm sân golf ở Gia Lai đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về dự án này vào ngày 18/12, UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, nếu thực hiện dự án sân golf ở Đắk Đoa thì được lợi cả kinh tế lẫn nhân đôi diện tích rừng.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cũng cho biết, khi triển khai thực hiện dự án sân golf, tỉnh Gia Lai yêu cầu nhà đầu tư cam kết không được đốn hạ cây thông mà chỉ di thực trên đường golf, đồng thời giữ cơ bản hiện trạng rừng thông.

"Di thực hợp lý vừa tạo cảnh quan vừa không làm ảnh hưởng đến cây", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai nói, đồng thời khẳng định không có chuyện mất rừng. Bởi lẽ, khi thực hiện dự án thì nhà đầu tư còn phải nộp số tiền đấu giá sử dụng đất, đồng thời trả tiền để trồng rừng thay thế đối với diện tích triển khai dự án.

Quan tâm đến câu chuyện này, tiếp tục trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, khi phát triển kinh tế thường có sự đánh đổi, nhưng phải suy nghĩ thấu đáo sự đánh đổi đó lợi, hại thế nào.

Quan điểm của tỉnh Gia Lai là dự án sân golf không làm mất rừng, thậm chí còn nhân đôi số rừng trồng lên, các cây thông sẽ không bị chặt hạ mà được bứng đi... nhưng theo GS Huỳnh, việc này cần có sự giám sát của cơ quan môi trường và cộng đồng.

Đổi rừng lấy sân golf: Có bền vững không? - Ảnh 1
Rừng thông Đắk Đoa. Ảnh: GLO

"Đào thông lên, đào như thế nào, trồng ở đâu, đất nơi đó có phù hợp hay không... buộc phải có sự giám sát. Nhà đầu tư bứng bao nhiêu cây đi thì phải trồng lại và phải đảm bảo được sự sống của cây đó.

Chúng ta đã có bài học của Hà Nội khi thực hiện dự án đường sắt đô thị. Hàng loạt cây cổ thụ trên đường Kim Mã bị bứng đi để nhường chỗ xây dựng đường sắt Nhổn-ga Hà Nội, nhưng rồi nhà thầu sau khi di chuyển cây ra vườn ươm, chỉ chăm sóc được một thời gian rồi bỏ mặc, nhiều cây chết khô, mục ruỗng...

Công ty cây xanh ở tỉnh nào cũng có, họ nắm được kỹ thuật bứng, kỹ thuật trồng... nhưng bắt buộc phải có sự giám sát của cộng đồng, đặc biệt cơ quan quản lý tài nguyên môi trường không thể đứng ngoài cuộc, từ đó mới biết được cây được chuyển đi và trồng lại ra sao, chăm sóc thế nào", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lưu ý, việc di thực và trồng lại những cây thông có tuổi đời gần 50 năm không hề đơn giản, bởi chúng đã sống ở vùng đó từ lâu, thích nghi với vùng đó. Bây giờ bứng lên, nếu làm đứt một số rễ nhất định thì khi đến nơi trồng lại, đất lại không phù hợp thì sự bén rễ của cây thông đó không phải dễ dàng.

Theo vị chuyên gia, cần phải xem xét xung quanh khu vực sân golf có cộng đồng dân cư sinh sống không? Rừng thông tồn tại mấy chục năm có giá trị về mặt sinh thái đối với người dân ở đó, nếu bứng đi thì môi trường nơi này chắc chắn bị ảnh hưởng, do đó cần phải nghiên cứu kỹ.

Bên cạnh đó, diện tích trồng rừng thay thế là bao nhiêu? Ai giám sát việc trồng rừng thay thế? là những câu hỏi mà GS Huỳnh đặt ra xung quanh dự án chuyển đổi đất rừng lấy sân golf của Gia Lai.

Từ thực tế nhiều dự án, khi dự án đánh giá tác động môi trường cần phải lưu ý điểm này, bởi đôi khi nói trồng rừng thay thế chỉ là sự bao biện của nhà đầu tư, đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ.

"Trồng rừng thay thế để có được những cây 20, 30, 50 tuổi không phải là dễ. Một cây mới trồng, ban đầu bằng ngón tay, ngón chân, mưa to gió lớn làm sao giữ được lượng nước mưa? Cả rừng thông gần 50 tuổi thì tán cũng phải 10-15 thước, có độ che phủ, khi mưa xuống thì giữ được ít nhất 25-30% lượng mưa, dần dần nước thấm xuống đất. Còn rừng trồng lại hầu như không giữ được gì, nếu có cũng rất ít vì chưa có lá, chưa có thảm thực vật, nước chảy ào trên bề mặt, dễ gây lũ lụt, xói lở cho bên dưới. Bởi giá trị của rừng thông cũ rất quan trọng đối với hệ sinh thái và con người nên cần phân tích kỹ càng mặt lợi, mặt hại khi chuyển đổi và nếu bắt buộc phải làm thì phải có sự giám sát chặt chẽ", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh lưu ý.

Trước thực tế nhiều nơi vì chạy theo sự phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường, GS Huỳnh cho rằng, trước mắt lợi ích kinh tế ấy có thể có lợi cho một nhóm người, nhưng cộng đồng, nhất là người dân nghèo phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.

"Đối với những dự án như trên, Nhà nước vẫn giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Vậy nên, địa phương phải có trách nhiệm với cộng đồng, đừng vì chút lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt