Động lực “đánh thức” bất động sản phía Tây Hà Nội
Hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sắp được Hà Nội triển khai. Thêm vào đó, Hà Nội dự kiến sẽ có thêm trung tâm hành chính - kinh tế mới được hình thành ở khu vực phía Tây sẽ trở thành những động lực giúp bất động sản phía Tây thủ đô cất cánh.
Tốc độ phát triển mạnh mẽ
Trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2025 với tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua bởi Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội, UBND đề xuất xây dựng thêm 2 thành phố mới ở phía Tây. Trước đó, thủ đô định hướng quy hoạch thêm 2 thành phố trực thuộc là thành phố phía Bắc Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh và thành phố Khoa học và Đào tạo Hòa Lạc.
Ngoài ưu tiên thành lập thành phố mới phía Bắc, hai thành phố phía Tây là thành phố Hòa Lạc và thành phố Du lịch Sơn Tây - Ba Vì sẽ được nghiên cứu hình thành. Đây đều là những khu vực phát triển đặc thù với cơ chế đặc thù, do đó tại đây sẽ xây dựng mô hình chính quyền đô thị với thể chế riêng.
Trong 10 năm trở lại đây, bất động sản phía Tây liên tục lột xác với sự hình thành của các công trình hạ tầng giao thông, các dự án khu đô thị tích cực được triển khai. Các tuyến đường giao thông lớn dần hình thành kết nối khu vực này với trung tâm Thành phố như Đại Lộ Thăng Long, Đường 32, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương...
Ngoài điểm cộng là sát cạnh các trục đường giao thông lớn đã có, các dự án phía Tây Hà Nội còn "đón sóng" đầu tư khi tuyến đường Lê Quang Đạo (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, đến vị trí ranh giới khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 01/04 vừa qua và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10/2024.
Dự án đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng đã được khởi công trong quý 2/2023. Đường vành đai 4 đã bước vào giai đoạn triển khai, dự kiến đi vào hoạt động năm 2027. Đây là 2 dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội góp phần thay đổi diện mạo khu vực phía Tây và kết nối các tuyến đường Bắc – Nam.
Đáng chú ý, thành phố vừa thông qua chủ trương triển khai tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc), có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến là 38,43km. Khi tuyến đường sắt hoàn thành dự kiến vào năm 2025 sẽ giúp diện mạo phía Tây thêm khởi sắc.
Khảo sát thực tế cho thấy, khu Tây Hà Nội đang trở thành tâm điểm được quan tâm. Điển hình như khu vực Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Vân Canh (Hoài Đức), Dương Nội (Hà Đông), Tây Mỗ (Nam Từ Liêm)... đang trở thành điểm nóng trên thị trường căn hộ chung cư, biệt thự, liền kề khi lượng nhà đầu tư đổ về đang có tín hiệu tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản, nhiều quý liên tiếp, căn hộ phía Tây Hà Nội áp đảo về nguồn cung và giao dịch. Từ năm 2011 đến nay, các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy luôn dẫn đầu thị trường về thị phần nguồn cung với khoảng 30%. Đồng thời, đây là khu vực có nguồn cung văn phòng lớn nhất Thủ đô, với 50% thị phần, tương đương 873.700m2.
Không chỉ dẫn đầu về nguồn cung, BĐS phía Tây cũng liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, ghi nhận lượng giao dịch sôi động nhất Thủ đô. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, tốc độ tăng giá của căn hộ phía Tây Hà Nội cao hơn căn hộ các khu vực khác trung bình từ 7-15%. Tùy từng vị trí, từng dự án, mức tăng trung bình đạt 300-700 triệu đồng/căn.
Mở ra nhiều cơ hội lớn cho nhà đầu tư
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ trong hiện tại và thời gian tới, các nhà đầu tư đều cảm nhận được sự năng động và tiềm năng dồi dào của khu vực phía Tây. Vốn đã phát triển mạnh mẽ, nhưng nhờ sự đầu tư về hạ tầng, các dự án mới, tiềm năng khu vực này sẽ được mở rộng xa hơn ở khu vực Ba Vì, Hòa Lạc và Hòa Bình.
Sức hút của khu vực này càng lớn hơn khi thời gian qua, hàng loạt ông lớn bất động sản như Vingroup, MIK Group, Bitexco, Vinaconex… đã “đổ bộ” tại đây, phát triển các khu đô thị và những dự án tầm cỡ, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Điều này đã tạo nên làn sóng chuyển dịch an cư tới các trung tâm đô thị mở rộng, giảm tải áp lực đáng kể cho vùng lõi Thủ đô.
Một nhà đầu tư kỳ cựu tại khu vực này cho biết, hiện các khu đô thị Nam An Khánh, Geleximco, Vinhomes Smart City, Splendora Bắc An Khánh, Hà Đô Charm Villa...giá đã tăng liên tục trong 4 năm trở lại đây. Năm 2023 giá có chững lại nhưng lại bắt đầu tăng từ cuối năm. Cơ hội sẽ dành cho những nhà đầu tư có tầm nhìn đi xuôi xuống khu vực Hòa Bình, Xuân Mai, Ba Vì khi mức giá còn khá thấp.
Cùng chia sẻ về tiềm năng của khu Tây, ông Vũ Cương Quyết - Giám đốc sàn giao dịch Đất Xanh Miền Bắc cũng nhận định, hiện tại khu Tây Hà Nội đang là tâm điểm trên thị trường, mặt bằng giá tăng cao cùng với sự bứt phá của hạ tầng đang tạo làn sóng nhà đầu tư đi xa hơn về phía Hòa Bình tìm hàng tốt, đặc biệt là phân khúc thấp tầng.
"Chúng ta thấy từng thấy, chỉ cách đây 6-7 năm khu vực Nam An Khánh được xem là khá xa xôi giá 1 căn biệt thự 400m2 chỉ khoảng hơn 10 tỷ. Hiện nay, để mua được một căn biệt thự 400m2 giá thấp nhất cũng khoảng 40 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần. Tôi nhận thấy, Hòa Bình nằm sát ngay Hòa Lạc nhiều khả năng cũng đang có kịch bản tương tự như khu vực Nam An Khánh, Bắc An Khánh trước đây", ông Quyết nhận định.
Ở góc nhìn chuyên gia, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội nhận xét, khu vực phía Tây vẫn sẽ là tâm điểm phát triển của Hà Nội trong thời gian sắp tới, trong đó tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan để giảm áp lực về dân cư và lưu lượng đi lại lớn.