Dòng tiền đầu tư đang tìm về những “vùng đất mới”
Sau khi thị trường le lói những dấu hiệu tích cực thì những địa phương chưa từng sốt đất lại đang trở thành điểm đến mới của dòng tiền đầu tư.
Khai phá những vùng đất mới
Nằm ở ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội với hệ thống giao thông đồng bộ, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, mối liên kết vùng hoàn chỉnh, Hà Nam đang từng bước “thay da đổi thịt”, trở thành một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh trên cả nước, mở ra nhiều tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Hội tụ những lợi thế về công nghiệp, giao thông, Hà Nam đang ngày càng thu hút được nhiều "ông lớn" đầu tư. Hiện tại, đã có hơn 350 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào tỉnh này. Năm 2022, các doanh nghiệp FDI nộp ngân sách nhà nước khoảng 200 triệu USD; đóng góp tích cực cho công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc mở rộng các khu công nghiệp, kết nối giao thông thuận lợi cũng giúp Hà Nam ngày càng thu hút lượng khách đông đảo tới các địa điểm du lịch nổi tiếng như Khu du lịch Tam Chúc, Địa Tạng Phi Lai Tự, chùa Bà Đanh, chùa Ninh Tảo, chùa Phật Quang…
Tất cả những lợi thế kể trên giúp địa phương này nhanh chóng trở thành tâm điểm đầu tư ven đô, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Không chỉ Hà Nam, những tỉnh tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Tuyên Quang hay Thái Nguyên cũng đang đón nhận dòng vốn đầu tư mới từ các doanh nghiệp bất động sản đến từ Hà Nội.
Trong đó, Phú Thọ cũng được đánh giá là một thị trường bất động sản tiềm năng vì là địa phương có chỉ tiêu kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 7,29%, cao hơn bình quân chung cả nước, nằm trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng cao của cả nước và trong vùng. Xếp hạng theo quy mô nền kinh tế, Phú Thọ đang đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng, GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 65,4 triệu đồng, đứng thứ 5/14 tỉnh trong vùng.
Trong ba năm từ 2020 tới nay, tỉnh đã thu hút 472 dự án đầu tư trực tiếp trong nước, vốn đăng ký 51 nghìn tỷ đồng; 77 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vốn đăng ký 1,33 triệu USD đầu tư mới và bổ sung vốn.
Phú Thọ đang đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự gia tăng mức thu nhập của người dân làm tăng khả năng chi trả nói chung và tăng mức độ sẵn sàng chi trả cho nhu cầu về nhà ở nói riêng, tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường bất động sản thương mại, công nghiệp và nhà ở.
Trong khi đó, thị trường bất động sản ở tỉnh này giữ ở mức ổn định trong suốt thời gian dài, thậm chí chưa từng xảy ra sốt đất, bong bóng BĐS như các tỉnh trong khu vực, cùng có lợi thế phát triển công nghiệp như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Cách Hà Nội chỉ 60 phút di chuyển trên cao tốc, Thái Nguyên nắm giữ vị trí chiến lược kết nối Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Chính vì vậy, đây cũng là địa phương được Nhà nước chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới giao thông làm động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực tế chứng minh đây là một hướng đi đúng đắn. Bởi từ năm 2010 đến nay, Thái Nguyên đã có bước “đại nhảy vọt”, vượt lên trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Với sự hậu thuẫn từ bức tranh phát triển kinh tế, không khó để nhận ra bất động sản Thái Nguyên cũng đang được “thơm lây” khi nhu cầu bất động sản giá trị thực lên ngôi. Không những thế, Thái Nguyên đang khẳng định mình là một trong những địa phương năng động nhất cả nước về thu hút đầu tư vào bất động sản.
Tại Thái Nguyên, một doanh nghiệp mới đây cũng đang âm thầm khởi công một khu đô thị trên diện tích đất hơn 9,6 ha. Dự án này không nằm ở thành phố Thái Nguyên mà lại ở một nơi hầu như giới đầu tư bất động sản ít nghe tên là thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình.
Trong khi đó, với việc ưu tiên quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, cũng như kiện toàn hệ thống giao thông đồng bộ, Tuyên Quang đã nhận được sự quan tâm của nhiều chủ đầu tư BĐS trong nước như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn Flamingo, Danko Group…; và nước ngoài như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Châu Âu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 264 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, chiếm 67% tổng dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh. Trong đó, có 18 dự án của 15 nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài, vốn đăng ký trên 7.199 tỷ đồng. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ thu hút từ 45.000 đến 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng.
“Tâm điểm” hút dòng tiền
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết trong quý III/2023, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc ghi nhận 11 dự án chung cư mở bán mới cung cấp cho thị trường khoảng 516 sản phẩm mới. Trong đó, Bắc Giang, Lạng Sơn dẫn đầu về nguồn cung căn hộ mới mở bán với lần lượt 150, 136 sản phẩm. Tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 38% tương đương 214 giao dịch.
Lượng nhỏ giao dịch ghi nhận ở một dự án có giá 36 - 40 triệu đồng/m2 tại Phú Thọ - đô thị cửa ngõ quan trọng của Thủ đô, trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Mặt bằng giá trung bình 28,5 triệu đồng/m2. VARS cho biết, dự kiến, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng trong bối cảnh chính quyền các địa phương yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Cũng trong quý vừa qua, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc ghi nhận 18 dự án biệt thự/liền kề, nhà phố mở bán, đưa ra thị trường hớn 864 sản phẩm mới. Toàn khu vực ghi nhận gần 220 giao dịch, tương đương với tỷ lệ tiêu thụ 14%. Giá chào bán sơ cấp tiếp tục đi ngang, trung bình 45 triệu đồng/m2.
Đánh giá về khu vực Trung du và miền núi phía Bắc trong quý III, VARS cho biết thị trường bất động sản khu vực này đã ghi nhận sự ấm lên của một vài dòng sản phẩm thật: giá trị thật, pháp lý thật, có khả năng khai thác dòng tiền bền vững...
Trong đó, một số dự án mở bán tại Lào Cai và Thái Nguyên có tỷ lệ hấp thụ lên đến 50– 70% bảng hàng ngay trong tháng đầu mở bán. Do các dự án này đều là sản phẩm có giá trị thật, có thể ở ngay hoặc đưa vào khai thác ngay, với mức giá tương xứng với tiềm năng trong khu vực.
Đối với Sa Pa, bất động sản du lịch quay trở lại với lợi thế có thể khai thác ngay lập tức khi nhận nhà với mức giá đầu tư tương đối phù hợp và tiềm năng tăng giá với hàng loạt thông tin tích cực về du lịch, hạ tầng...
Tỷ lệ hấp thụ tại Trung du và miền núi phía Bắc trong quý đạt 24,3%, tương đương với gần 400 giao dịch, cao hơn 67% so với quý trước nhưng chỉ bằng 10% so với thời điểm thị trường không gặp khó khăn.