Dự án "ma": Vì sao liên tục cảnh báo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy?
Mặc dù không còn là vấn đề mới, song tình trạng "dự án ma" ngày càng diễn biến phức tạp với số lượng tăng lên đáng kể tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành lân cận. Dù đã được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn "sập bẫy" bất chấp rủi ro.
Vẫn còn những “bản sao” Alibaba
Thời gian gần đây, từ khoá “dự án ma" đã được các phương tiện truyền thông nhắc đến thường xuyên. Sự ngang ngược, bất tuân thủ pháp luật của các công ty bất động sản đã khiến nhiều người không khỏi bất bình, gây nhức nhối trong dư luận xã hội, không chỉ vậy còn gây nhiễu loạn cho thị trường bất động sản.
Mới đây nhất, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa cho biết, đơn vị đang điều tra vụ "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần King Home Land (viết tắt là Công ty King Home Land, do ông Đặng Tiến Trường làm giám đốc, có địa chỉ tại phường 7, quận Gò Vấp).
Theo điều tra ban đầu, từ năm 2018 đến năm 2019, Trường với vai trò là giám đốc Công ty King Home Land, nhận được ủy quyền sử dụng đất của nhiều cá nhân tại quận 9, quận 12 và huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) về thực hiện thủ tục tách thửa, phân lô, chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, Trường không thực hiện thủ tục phân lô như thỏa thuận ban đầu mà vẽ ra các dự án mang tên King Home 1, King Home 2, King Home 4…
Sau đó, Trường chỉ đạo nhân viên phát tờ rơi tiếp thị quảng cáo, rao bán đất nền không có thật nêu trên bằng hình thức ký kết các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo hợp đồng, khách hàng sẽ được giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vòng 6 - 9 tháng kể từ khi ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Khách hàng sẽ thanh toán theo từng đợt bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Khi thanh toán đủ 95% hoặc dưới 95% (tùy theo thỏa thuận) thì khách hàng sẽ được bàn giao nền đất, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi ký hợp đồng chuyển nhượng có công chứng.
Nhiều khách hàng tin tưởng đã đóng tiền mua đất nền mà Trường vẽ ra. Qua điều tra, công an xác định 22 người đã ký hợp đồng với Trường với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Quá thời hạn theo thỏa thuận, Trường không bàn giao đất nền, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khách hàng yêu cầu phải giải quyết.
Một số khách hàng được ký thanh lý hợp đồng, nhận lại một phần tiền là gần 2,4 tỷ đồng. Đối với những khách hàng còn lại, ông này không giải quyết, không trả lại tiền và cắt liên lạc.
Bức xúc nên khách hàng đến trụ sở công ty King Home Land nhưng công ty này đã đóng cửa nên gửi đơn tố cáo đến công an.
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương vừa tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Quý (ngụ thị xã Tân Uyên) để điều tra làm rõ "hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với tổng số tiền 5,4 tỷ đồng thông qua việc bán đất nền một “dự án ma".
Theo điều tra, từ năm 2016-2019, Quý đại diện Công ty Trung Quý - Huế thỏa thuận góp vốn khoảng 1 tỷ đồng vào Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Song Đạt. Tại đây, Quý được giao phụ trách xây dựng cơ sở hạ tầng cho Dự án “Làng biệt thự vườn dầu khí” có địa chỉ tại phường Long Phước, quận 9, TP.HCM do Công ty Song Đạt làm chủ đầu tư.
Đến tháng 3/2019, Quý tự giới thiệu mình là Giám đốc Công ty Trung Quý - Huế và dẫn ông Nguyễn Ngọc Tuấn (54 tuổi) và bà Đặng Thị Len (37 tuổi), cùng ngụ TP.HCM đến Dự án “Làng biệt thự vườn dầu khí” để giới thiệu đây là Dự án Khu dân cư Long Phước Riverside Residence do Công ty Trung Quý - Huế làm chủ đầu tư.
Sau đó, Quý đại diện Công ty Trung Quý - Huế ký với ông Tuấn giấy xác nhận đặt chỗ để chuyển nhượng về việc phân phối 400 nền đất nền Dự án Khu dân cư Long Phước Riverside Residence và nhận 6 tỷ đồng tiền ký quỹ. Tiếp đó, Quý ký với bà Len 4 giấy xác nhận đặt chỗ để mua 4 nền tại Dự án Khu dân cư Long Phước Riverside Residence, với số tiền 1 tỷ đồng.
Sau khi nhận tiền từ ông Tuấn và bà Len thì Quý không thực hiện đúng như cam kết và lấy lý do kéo dài việc giao đất. Khi khách hàng đề nghị thanh lý hợp đồng, trả lại tiền đặt cọc thì Quý đồng ý nhưng chỉ trả cho ông Tuấn 1,5 tỷ đồng, trả bà Len 70 triệu đồng, sau đó trốn tránh không tiếp tục trả đủ số tiền còn lại.
Qua xác minh của cơ quan chức năng, trên địa bàn TP.HCM không có dự án do Công ty Trung Quý - Huế làm chủ đầu tư.
Cần tăng cường công tác quản lý
Có thể thấy, hiện tượng dự án "ma” không phải là vấn đề mới nhưng đến thời điểm hiện tại, cùng với các cơn sốt đất, tình trạng này ngày càng diễn ra phức tạp với số lượng tăng lên đáng kể. Đáng nói hơn, dù đã được cảnh báo nhưng vẫn có những khách hàng “sập bẫy” bất chấp rủi ro.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, do nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng cao, hiện nay đã có không ít chủ đầu tư lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi, lừa đảo thông qua những cái tên: “Hợp đồng góp vốn” hay “thỏa thuận đặt cọc”. Không ít người đã phải "tiền mất, đất không có".
Để tránh gặp phải các trường hợp này, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo nhận định, trước tiên cần phải nhận diện và biết được những biểu hiện của “dự án ma”.
Cụ thể, thông thường, “dự án ma” là những dự án không có điện-đường-trường-trạm, không có hạ tầng cơ bản. Bên cạnh đó, còn có những dự án ma, chỉ bằng quan sát thông thường thì rất giống với một dự án thật, cũng có đường, có hệ thống thoát nước, được phân lô cụ thể, nhưng thực chất lại là do tự ý làm, tự ý xây dựng mà không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, khi hỏi thông tin pháp lý dự án, các chủ đầu tư lại không cung cấp được hồ sơ pháp lý dự án: Chưa được Chính phủ hay HĐND cấp tỉnh phê duyệt, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng…
Đứng trước những nguy cơ, những tiềm ẩn đầy rủi ro khi giao dịch bất động sản, để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh bị kẻ xấu “lừa đảo, trục lợi”, khách hàng cần lưu ý những vấn đề sau trước khi ký kết giao dịch bất động sản:
Thứ nhất, cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý dự án. Theo đó, khách hàng phải kiểm tra xem dự án có thuộc diện bị thu hồi hay không; kiểm tra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án; Kiểm tra dự án có phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án hay chưa.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra các chứng thư cần thiết như: bảo lãnh tài chính của ngân hàng thương mại để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.
Thứ hai, cần khảo sát thực tế dự án bằng cách đến địa chỉ nơi có dự án và xem xét dự án đã có cơ sở hạ tầng hay chưa, mức độ hoàn thành đến đâu, bởi theo quy định của pháp luật, dự án có đầy đủ cơ sở hạ tầng mới được phép lưu thông. Khách hàng cũng nên lưu ý và cảnh giác khi địa chỉ dự án không rõ ràng, minh bạch.
Thứ ba, khách hàng nên hết sức cảnh giác khi đầu tư mua nhà, lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín, đồng thời nên có sự tham vấn của luật sư, của những người có am hiểu pháp luật để đánh giá những rủi ro khi tham gia giao dịch và nhận được lời khuyên từ các chuyên gia.
Đối với những khách hàng lỡ mua phải “dự án ma” thì nên báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra để Nhà nước sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động “lừa đảo” này. Đồng thời mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Ngoài ra, nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng có dấu hiệu lừa đảo trong rao bán đất nền, Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo cho rằng, UBND tỉnh, thành phố cần phải tăng cường công tác quản lý, thực thi nghiêm pháp luật về kinh doanh bất đông sản tại các địa phương theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản.