Dự báo nhu cầu khu công nghiệp sẽ phục hồi trong năm 2024
Giữa cơn bão của thị trường bất động sản, bất động sản khu công nghiệp ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực dù là điểm sáng trong năm 2023. Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế và bất động sản khu công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi giải phóng mặt bằng, đấu giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Giá thuê đất có thể tăng 15% trong năm 2024
Theo nhóm nghiên cứu SSI Research dự báo, trong năm 2024, thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ có xu hướng phục hồi. Thậm chí, lợi thế nghiên về phía Chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp, theo đó giá thuê đất có thể sẽ tăng khoảng 15% trong năm 2024
SSI Research cho biết, nhiều chủ đầu tư KCN niêm yết đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc cho thuê đất công nghiệp với các khách thuê mới trong nửa cuối năm 2023. Do đó, các hợp đồng MOU này sẽ được chuyển thành hợp đồng chính thức và ghi nhận doanh thu trong năm 2024.
Đối với các KCN ở miền Bắc, nhu cầu thuê đất KCN dự kiến sẽ cao trong năm 2024, được thúc đẩy nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, chủ yếu trong ngành điện tử và bán dẫn. Các KCN ở miền Nam có thể ghi nhận sự phục hồi kỹ thuật từ mức nền thấp trong năm 2023, với các doanh nghiệp thuê đất công nghiệp chính là các doanh nghiệp sản xuất (dệt may, gỗ, da giày), logistics và thực phẩm, đồ uống.
SSI Research dự báo trong năm 2024, giá cho thuê đất của các chủ đầu tư khu công nghiệp niêm yết sẽ tăng bình quân 15,5% so với năm 2023.
Trong khi đó, BSC dự báo nguồn cung bất động sản khu công nghiệp vẫn sẽ thiếu hụt trong 1 - 2 năm tới, điểm rơi sẽ vào giai đoạn nửa cuối năm 2025 đến năm 2026 trở đi.
Trong năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD (tăng 24,4% so với năm trước), trong đó vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 20,2 tỷ USD (tăng 62,2%), vốn FDI thực hiện đạt 23,2 tỷ USD (tăng 3,5%), đóng góp chính bởi Trung Quốc, Đài Loan.
Nhóm phân tích cho rằng xu hướng FDI tăng trưởng mạnh sẽ tạo áp lực để Chính Phủ đẩy nhanh mở khóa quỹ đất do nguồn cung từ các khu vực tỉnh/thành loại 1 không còn nhiều. So sánh quỹ đất hiện tại với quỹ đất được phép phê duyệt đến năm 2025 nhận thấy nhiều tỉnh thành đã sử dụng chỉ tiêu. Công ty chứng khoán này cho rằng điểm rơi nguồn cung mới sẽ vào giai đoạn nửa cuối năm 2025 đến năm 2026 trở đi.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS dự báo phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Việt Nam vẫn có nhiều động lực giúp thị trường bất động sản công nghiệp hứa hẹn khởi sắc trong năm 2024.
Số liệu của VARS cũng chỉ rõ, năm 2023 cả nước có thêm 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 13 khu công nghiệp trong quá trình xây dựng. Ghi nhận sự góp mặt của nhiều "đại bàng" lớn từ Hong Kong và Đài Loan. Tổng cộng, cả nước có 412 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 217,5 nghìn ha. 293 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha. 119 khu công nghiệ đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha.
Đồng quan điểm với ông Đính, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho biết bất động sản ăn theo các thị trường khu công nghiệp phát triển nên được nằm trong giỏ hàng của nhà đầu tư bất động sản trong năm 2024. "Bất động sản khu công nghiệp phục vụ nhu cầu nhà ở hiện hữu cho các chuyên gia, người lao động tại các khu công nghiệp cùng với phân khúc căn hộ chung cư sẽ dẫn dắt đà phục hồi của thị trường bất động sản năm 2024".
Quan sát thực tế trên thị trường bất động sản hiện nay, các thị trường bất động sản khu công nghiệp đang được nhà đầu tư để ý, đặc biệt là những thị trường cấp 2 đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ và còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp. Tại Miền Bắc có thể kể đến Phú Thọ - một trong những tỉnh đang chứng kiến sự phát triển mạnh của các khu công nghiệp trong vài năm trở lại đây. Kéo theo đó, bất động sản nhà ở cũng đang dần sôi động theo.