Du lịch phục hồi, bất động sản nghỉ dưỡng khởi sắc
Với việc ngành du lịch đang có những hướng phục hồi, đặc biệt là khách Trung Quốc sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam, nhiều chuyên gia bất động sản kỳ vọng phân khúc nghỉ dưỡng sẽ dần khởi sắc.
Du lịch khởi sắc
Sau một thời gian dịch COVID-19 hoành hành, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có cả Việt Nam đã mở cửa trở lại. Cũng chính vì thế, lượng khách du lịch đến Việt Nam bắt đầu có những tiến triển phục hồi từ năm 2022 cho đến nay.
Theo số liệu của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, tính riêng dịp tết âm lịch từ ngày 20/01/2023 đến ngày 26/01/2023, ước tính có tổng cộng 768 chuyến với hơn 98.000 lượt khách. Đối với chuyến bay nội địa, có 444 chuyến ước đạt gần 57.000 lượt khách, tần suất trung bình 64 chuyến/ngày, đặc biệt cao nhất vào ngày 21/1 (30 tết) và ngày 24/01 (Mồng 3 tết) với 67 chuyến bay.
Chặng bay quốc tế có 324 chuyến bay quốc tế, ước đạt hơn 42.000 lượt khách, tần suất trung bình 46 chuyến/ngày, đặc biệt cao nhất vào ngày 20/01 (29 tết) và ngày 22/01 (Mồng 1 tết) với 48 chuyến bay. Riêng ngày 22/01/2023 (Mồng 01 Tết âm lịch) có 48 chuyến bay đến Đà Nẵng với khoảng 6000 lượt khách.
Bên cạnh đó, Trung Quốc mới đây cũng đã cho phép các doanh nghiệp nước này được nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài, với danh mục 20 nước. Tuy nhiên, trong 20 nước này không có Việt Nam. Dù vậy, ngành du lịch của Việt Nam cũng đã sẵn sàng đón khách du lịch Trung Quốc quay trở lại. Bởi trước dịch COVID-19, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam chiếm 1/3 lượng khách du lịch nước ngoài.
Trước diễn biến trên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng nhận định, những tín hiệu tích cực về thị trường khách du lịch Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy khôi phục du lịch thành phố trong thời gian sắp tới. Ngành du lịch thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trong việc phục vụ các thị trường trọng điểm khách quốc tế trong đó có khách Trung Quốc.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp cho hoạt động du lịch của Việt Nam tốt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cần phải gấp rút chuẩn bị lực lượng. Rút kinh nghiệm trước đây, các doanh nghiệp cần có những giải pháp thích hợp hơn, phải có những dịch vụ mới để đáp ứng những nhu cầu mới của khách Trung Quốc.
“3 năm rồi, người Trung Quốc không được ra nước ngoài. Họ có còn như trước không, suy nghĩ của họ thế nào, hành động ra sao. Các doanh nghiệp du lịch cần nghiên cứu để chuẩn bị phục vụ khách Trung Quốc cho giai đoạn mới này. Lưu lý các doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ càng để đón lượng khách lớn và những nhu cầu mới”, ông Bình nhấn mạnh.
Đối với doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng, cho rằng khách Trung Quốc trở lại là tín hiệu đáng mừng nhưng không bỡ ngỡ vì Việt Nam đã mở cửa đón khách quốc tế trở lại từ sớm; lâu nay khách sạn đã phục vụ các đối tượng khách rất nhiều thị trường khác nhau. “Đối với dòng khách Trung Quốc, khách sạn chuẩn bị thêm khâu ẩm thực, đào tạo nghề cho lao động, còn phòng ốc thì cơ bản không có gì khác biệt. Nói chung khách sạn sẵn sàng đón khách Trung Quốc”, ông Duẩn nói.
Lạc quan với BĐS nghỉ dưỡng
Với định hướng phát triển du lịch, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng gắn liền với Đà Nẵng. Chính vì vậy, trong giai đoạn trước dịch COVID-19, phân khúc bất động sản du lịch tại địa phương này trở nên sôi động. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, bất động sản phân khúc nghỉ dưỡng trở nên kém sắc. Như khi tình hình của ngành du lịch đang có những dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là lượng khách Trung Quốc sẽ quay trở lại thị trường Việt Nam, nhiều chuyên gia bất động sản kỳ vọng phân khúc nghỉ dưỡng sẽ dần được khởi sắc.
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC, trước khi đại dịch diễn ra, gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam là từ Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này đã mở cửa trở lại, ngành du lịch Việt Nam sẽ cần thêm một thời gian để có thể đạt được mức hoạt động trước đại dịch. Dẫu vậy đây vẫn là một tín hiệu tích cực hỗ trợ quá trình khôi phục của ngành bất động sản nghỉ dưỡng.
Về thách thức, tốc độ phát triển du lịch trong thời gian qua đã thúc đẩy hoạt động phát triển dự án, gia tăng nguồn cung tại một số điểm đến. Điều này dẫn đến rủi ro chênh lệch cung cầu lớn, và trong tương lai có thể dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt trên phương diện giá phòng và nguồn nhân sự. Các điểm đến trước đây phụ thuộc vào nguồn khách đoàn, và chưa chú trọng nhiều vào công tác xây dựng hình ảnh điểm đến đúng nghĩa như Nha Trang có thể cần nhiều thời gian hơn để có thể phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch.
Bên cạnh đó, tình hình phát triển nguồn cung mới còn kém sôi động so với thời điểm trước đại dịch. Nhiều dự án đã trì hoãn công tác giới thiệu ra thị trường, hoặc đã triển khai nhưng thực hiện khá dè dặt so với trước. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản được kiểm soát rủi ro cẩn trọng hơn cũng như tác động không thuận lợi của các yếu tố thị trường vĩ mô khiến các nhà đầu tư trở nên do dự… Tuy nhiên, việc giảm tốc của các dự án đang triển khai cũng có mặt tích cực là giúp các khách sạn, resort đang hoạt động giảm bớt áp lực về cạnh tranh với nguồn cung phòng mới và có thời gian để điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng.
Giám đốc Savills Hotels APAC cũng nhận định, các chính sách kiểm soát tiếp tục tác động đến hoạt động phát triển, đầu tư bất động sản nói chung và bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng, tuy nhiên những điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ đem đến những tác động tích cực cho thị trường trong trung và dài hạn.
Mặc dù thị trường đang gặp nhiều thách thức, tuy nhiên đây cũng là cơ hội để chủ đầu tư xem xét, đánh giá lại, từ đó tinh chỉnh mô hình kinh doanh một cách hiệu quả, bền vững hơn. “Chúng tôi cũng nhận thấy thị trường ngày càng đón nhận sự tham gia của các chủ đầu tư mới. Họ là những đơn vị mong muốn đem đến các dự án chất lượng, mang dấu ấn độc đáo thay vì chỉ thuần chú trọng quy mô. Đặc biệt tại những dự án này, cách tiếp cận của thế hệ kế nghiệp của các chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo nên các dự án với điểm nhấn đặc sắc, cũng như chú trọng hơn đến các yếu tố phát triển bền vững”, ông Mauro Gasparotti phân tích.
Cùng với đó, nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cũng đang quan tâm hơn đến hoạt động phát triển dự án tại Việt Nam - vốn trước đây chủ yếu do các đơn vị phát triển trong nước chiếm lĩnh thị trường. Các nhà điều hành khách sạn quốc tế và khu vực cũng đa gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, đem đến nhiều hơn sự lựa chọn thương hiệu đáp ứng phân khúc khách hàng mới như nhóm khách có thể linh động làm việc từ xa (digital nomad), khách công tác kết hợp du lịch (bleisure). “Nhìn chung, chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng thị trường cũng như mong đợi một năm nhiều tín hiệu khởi sắc cho ngành nghỉ dưỡng”, ông Mauro Gasparotti lạc quan.