Lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để "chặn" lợi ích nhóm

Đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, GS,TS Phạm Hữu Nghị, Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội đề xuất cần lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo), chiều 21/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực. Có thể coi Luật Đất đai là đạo luật gốc trong quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội.

Quá trình sửa Luật Đất đai chính là lúc đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong thể chế hoá chủ trương của Đảng.

Quốc hội đã cho phép tổ chức lấy ý kiến nhân dân nên các ý kiến cần đi thẳng vào các chương, điều nào chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi đối với chính sách mà nghị quyết Trung ương ban hành thì tập trung góp ý để làm sao chính sách đó được thể chế một cách đầy đủ, đủ điều kiện pháp lý thực hiện và người dân nào đọc cũng hiểu và áp dụng thực hiện.

"Đối với quyền sử dụng đất, sở hữu đã được Hiến pháp hiến định và cho đến nay triển khai không gặp vấn đề gì khó khăn. Những vấn đề gì không trong quy định của Đảng, Hiến pháp thì không đề cập, cần có nghiên cứu, có thực tiễn và thời gian", Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để "chặn" lợi ích nhóm - Ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng quá trình sửa Luật Đất đai chính là lúc đánh giá năng lực của cơ quan lập pháp, hành pháp trong thể chế hoá chủ trương của Đảng. Ảnh: Hà Anh.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, GS, TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, tại điều 155, 156 của Dự thảo, quyền quyết định giá đất cụ thể lại giao cho UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thành phần hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cũng không có đại diện của Hội đồng nhân dân (cấp tỉnh, cấp huyện).

Như vậy, Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu nhưng lại giao cho cơ quan hành chính Nhà nước quyết định chứ không phải do Quốc hội, hội đồng nhân dân (cơ quan đại diện cho dân) quyết định hoặc được tham gia thành phần hội đồng thẩm định giá đất.

Bởi vậy, nên tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu và quyền năng quản lý Nhà nước (quản lý xã hội), sau đó thiết kế phân quyền (chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền) cho hai cơ quan tương ứng, quyền đại diện chủ sở hữu thì giao cho Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính Nhà nước thì gia cho Chính phủ, UBND các cấp.

Đại diện Viện Nghiên cứu Pháp luật và Xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, GS, TS Phạm Hữu Nghị cho rằng vừa qua, có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng diễn ra rất phổ biến làm phương hại đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia.

Do đó các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo cần cụ thể hơn, chặt chẽ hơn để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trên. Quy định về rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về cơ quan chịu trách nhiệm rà soát; tiêu chí, căn cứ của việc rà soát.

Để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trở thành phổ biến, từ đó làm mất tính ổn định của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cần quy định về các nguyên tắc và việc lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có các nguyên tắc thì việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải có các nguyên tắc.

Lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để "chặn" lợi ích nhóm - Ảnh 2Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Hà Anh.

“Có thể áp dụng các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như là các nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ chế ngăn ngừa nhóm lợi ích tác động vào việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vì lợi ích riêng, trục lợi của mình”, GS, TS Phạm Hữu Nghị đề xuất.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ, trong xu thế phát triển, nhu cầu đất phục vụ mục đích du lịch văn hoá tâm linh là có thực, cần có các chính sách sử dụng đất đối với hình thức này.

Trong những thập kỷ gần đây, tình hình tôn giáo ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng đất cho hoạt động tôn giáo mở rộng đã làm cho việc đòi lại đất mà trước đây tôn giáo sử dụng ngày một gia tăng.

Sự gia tăng về số lượng tín đồ, về nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và hoạt động xã hội, nên các tôn giáo quan tâm hơn việc mở rộng, xây mới các cơ sở tôn giáo, cơ sở xã hội… từ đó phát sinh nhu cầu về sử dụng đất đai.

Bên cạnh việc đòi đất có nguồn gốc tôn giáo, thì các tổ chức tôn giáo không ngừng mua bán, hiến nhượng, lấn chiếm đất để mở rộng, xây dựng cơ sở thờ tự không đúng pháp luật diễn ra ở tất cả các tôn giáo và hầu hết các địa phương trong cả nước, gây ra tình trạng bất ổn trong quản lý và sử dụng đất tôn giáo.

“Tình hình phức tạp liên quan đến đất cơ sở tôn giáo đặt ra vấn đề cần phải đối mới cơ chế, chính sách pháp luật về đất cơ sở tôn giáo để phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay”, ông Tiến nhấn mạnh.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam