Dự toán tổng thu ngân sách 2022: Đã tính kỹ
Năm 2022, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác những thông tin chủ yếu liên quan đến đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2021 và dự kiến dự toán thu chi NSNN năm 2022 trình Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ hai xem xét, quyết định.
Theo báo cáo này, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng. Thực hiện 9 tháng đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2020, kết quả như trên là tích cực.
Tuy nhiên, do tác động của đợt dịch bùng phát dịch Covid-19 cuối tháng 4, diễn biến thu có xu hướng giảm rõ rệt qua từng tháng. Bộ Tài chính dự kiến cả năm thu NSNN ước đạt 1.365,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán, giảm 9,4% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 16,1% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 13,2% GDP.
Trong đó, đáng chú ý thu nội địa - khoản thu chiếm hơn 80% nguồn thu ngân sách - dự kiến giảm 12,2% so với thực hiện năm 2020, ước tính chỉ đạt hơn 1.133,2 nghìn tỷ đồng.
Trong khi số thu giảm nhưng số chi ngân sách năm 2021 lại tăng so với dự tính ban đầu. Dự toán chi cân đối NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng bằng 61,1% dự toán. Song Bộ Tài chính ước chi NSNN cả năm đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so dự toán.
Dự toán bội chi NSNN năm 2021 là 343,67 nghìn tỷ đồng, bằng 4%GDP. Phấn đấu điều hành bảo đảm bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi 4% GDP.
Dự kiến đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 38,8% so với GDP ước thực hiện, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu NSNN.
Năm 2022, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.
Bộ Tài chính khẳng định, mức dự toán nêu trên đã được tính toán kỹ trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nhân lực, doanh thu sụt giảm mạnh, việc phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cần thời gian và chi phí lớn.
Về số chi năm 2022, dự kiến dự toán chi cân đối NSNN là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Mức bội chi là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4%GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm 2021). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43-44% GDP.
Dự kiến nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM lên 21%
Điểm đáng lưu ý trong Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 Chính phủ trình Quốc hội đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đó là, tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM trong năm sau dự kiến 21%, tăng thêm 3% so với giai đoạn 2016-2021.
Cụ thể, tổng thu năm 2022, TP.HCM sẽ thu hơn 386.568 tỷ đồng, tăng hơn 21.675 tỷ đồng so với dự toán năm nay.
Phần địa phương được hưởng theo phân cấp 84.121 tỷ đồng. Trong đó, phần ngân sách thành phố được hưởng 100% hơn 42.583 tỷ đồng và phần được hưởng 21% 41.535,9 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2021, phần tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM được hưởng trong năm sau dự kiến tăng thêm 3%, tương ứng với gần 6.000 tỷ đồng. Còn tổng chi ngân sách thành phố trong năm sau dự kiến 94.051 tỷ đồng.