Đường đua M&A sẽ “dậy sóng” vào nửa cuối năm 2024

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, chuyên gia của JLL Việt Nam phân tích, thâu tóm hay hợp tác là 2 mảng của hoạt động M&A. Hiện tại, M&A dự án không còn là một “game” thu gom tài sản đơn thuần, vì vậy các doanh nghiệp nội có thể coi đây như là giải pháp để nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh.

Theo bà Khanh, các doanh nghiệp trong nước ngày càng nắm lợi thế lớn hơn về quỹ đất, tiềm lực tài chính, sự thấu hiểu thị trường…, khiến các doanh nghiệp quốc tế thay đổi chiến lược trong các thương vụ M&A từ “mua đứt, bán đoạn” sang hợp tác cùng phát triển.

Trong mối quan hệ hợp tác này, doanh nghiệp nào càng có nhiều quỹ đất lớn, pháp lý đầy đủ thì càng nắm giữ nhiều lợi thế, song đây mới chỉ là một nửa câu chuyện quyết định thành bại của các thương vụ hợp tác, nửa còn lại là câu chuyện chung tầm nhìn, định hướng và cả sự sẵn sàng chấp nhận chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên. Nếu không đảm bảo yếu tố này, việc triển khai dự án không những khó suôn sẻ, mà còn đối mặt với rủi ro tranh chấp sau này.

Đường đua M&A sẽ “dậy sóng” vào nửa cuối năm 2024 - Ảnh 1

Trên thực tế, xu hướng cùng hợp tác phát triển dự án được thúc đẩy từ giữa năm 2023 trong bối cảnh áp lực về thanh khoản và dòng tiền gia tăng khi thị trường khó khăn, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm giải pháp cơ cấu lại hoạt động kinh doanh thông qua con đường kết nối với những đối tác trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính cũng như tham vọng lớn trong việc định hình lại thị trường.

Thị trường bất động sản năm 2024 và các năm tiếp theo được dự báo tiếp tục sôi động với những thương vụ M&A ở hầu hết các phân khúc từ công nghiệp, văn phòng đến nhà ở. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, đây là một trong những “quân bài” giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm, mở rộng tiếp cận với thị trường...

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhìn nhận, thị trường bất động sản năm 2024 chứng kiến sự trở lại nhiều hơn của doanh nghiệp nội sau 2 năm tái cơ cấu. Xu hướng được dự báo của năm nay sẽ là các doanh nghiệp nội giàu tiềm lực tiếp tục cuộc đua thâu tóm quỹ đất sạch, còn khối ngoại đẩy mạnh săn tìm các dự án gặp khó về tài chính thông qua hình thức hợp tác đồng hành cùng phát triển.

Bà Trang Bùi cho hay, khẩu vị đầu tư của các doanh nghiệp lúc này là dự án có quỹ đất sạch, chất lượng tốt, có giá trị thật, có quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh và có tiềm năng phát triển. Trong đó, phân khúc nhà ở vẫn là lựa chọn hấp dẫn của cả nhà đầu tư nội và ngoại bởi tỷ suất sinh lời hấp dẫn. Nhiều thương vụ hợp tác đã và đang trong quá trình đàm phán với kết quả khá tích cực.

Kể từ cuối năm 2023 đến nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận khoảng 16 thương vụ M&A bất động sản gây chú ý. Các nhà đầu tư ngoại chịu chi nhất chủ yếu đến từ Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Mục tiêu đầu tư của khối ngoại vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật cũng như có pháp lý hoàn chỉnh, nhiều tiềm năng phát triển.

Theo chuyên gia, việc tìm kiếm sự liên kết nhằm củng cố năng lực tài chính, bổ sung khả năng tiếp thị, phân phối sản phẩm là cần thiết trong giai đoạn này, khi các yêu cầu về năng lực tài chính cùng khả năng thực thi dự án của chủ đầu tư cao hơn rất nhiều để có thể đáp ứng các quy định mới. Bên cạnh đó, yêu cầu cao hơn của khách hàng về sản phẩm cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn hỗ trợ dồi dào hơn từ bên ngoài.

Việc bắt tay cùng đồng hành giữa những “ông lớn” bất động sản tạo ra cuộc đua nâng cao chất lượng hoàn thiện sản phẩm để đưa ra thị trường thời gian tới. Mỗi doanh nghiệp có một thế mạnh riêng nên khi cùng hợp lực, chia sẻ lợi ích thì sẽ phát triển dự án nhanh chóng, thuận lợi hơn và người mua nhà sẽ là người hưởng lợi cuối cùng. Thực tế, nhiều dự án ra mắt gần đây dưới sự hợp lực của các doanh nghiệp tham gia liên danh đều ghi nhận kết quả bán hàng tích cực khi người mua đặt niềm tin vào kết quả của sự hợp tác mang lại giá trị thực cho họ.

Cũng theo các chuyên gia, hai quý đầu năm 2024 có thể là quãng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị về tiền bạc, pháp lý, thông tin dự án... từ việc các đại gia ngoại đẩy mạnh vung tiền, các doanh nghiệp trong nước chủ động nắm lợi thế quỹ đất, đến công tác chuẩn bị kỹ lưỡng trong 2 quý đầu năm, mọi thứ đều dẫn đến một khả năng là đường đua M&A sẽ “dậy sóng” vào nửa cuối năm 2024, kéo dài sang năm 2025.

Chuyên gia kỳ vọng hoạt động M&A nửa cuối năm sẽ khởi sắc trên cơ sở các hành lang pháp lý được hoàn thiện, quyết tâm và các chính sách của Chính phủ trong việc gỡ vướng cho bất động sản sẽ tác động tích cực đến niềm tin của thị trường.

Theo Chất lượng và cuộc sống