Đường sắt TĐC Bắc-Nam: Đề nghị thêm phương án tốc độ 160-200km
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT bổ sung phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam vận tải hành khách và hàng hóa.
Bộ KH-ĐT vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT bổ sung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Báo Đầu tư, cơ quan của Bộ Kh-ĐT, dẫn nội dung công văn của bộ này cho biết, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tổ chức lựa chọn Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.
Để có đủ tài liệu cung cấp cho đơn vị tư vấn thẩm tra, phục vụ việc đánh giá các kịch bản, phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam được khách quan, toàn diện và thỏa đáng, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT bổ sung thêm phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam vận tải hành khách và hàng hóa với dải tốc độ từ 160 km/h đến dưới 200 km/h như các Quyết định số 214/QĐ – TTg ngày 10/2/2015 và số 1468/QĐ – TTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định (theo hướng tuyến lựa chọn trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án).
Vào tháng 7/2019, Bộ KH-ĐT– Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã gửi hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xin ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng và các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Qua nghiên cứu sơ bộ và tổng hợp các ý kiến góp ý, Bộ KH-ĐT nhận thấy Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h, cạnh tranh với hàng không. Tuy nhiên, công nghệ đường sắt này chỉ khai thác tàu khách mà không khai thác tàu hàng.
Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu thêm phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam |
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án phân tích kịch bản 2 là “nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại thành đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa khai thác chung tàu khách và tàu hàng có tốc độ 200 km/h” có khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn, tác động nhiều đến xã hội do tuyến đường sắt hiện hữu đi qua nhiều khu đô thị (chi phí đầu tư lên tới 40 tỷ USD) trong khi phương án đầu tư tuyến mới như kịch bản 3 (có khối lượng giải phóng mặt bằng không lớn, có khả năng rút ngắn chiều dài tuyến để giảm khối lượng) nhưng tốc độ chạy tàu là 200 km/h lại không được đem so sánh.
Vào tháng 7/2019, Thủ tướng ký Quyết định số 859/TTg - QĐ thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và giao Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch hội đồng.
Trước đó, vào tháng 2/2019, Bộ GTVT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam được nghiên cứu trong phạm vi 20 tỉnh/thành phố dọc từ Hà Nội vào TP.HCM.
Tại Diễn đàn "Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, những vấn đề đặt ra" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHH) tổ chức hồi tháng 10/2020, đại diện liên danh tư vấn đã trình bày báo cáo tóm tắt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Theo tư vấn, sau khi đánh giá các kịch bản phát triển, các nghiên cứu trước đây và tư định hướng chiến lược, quy hoạch đường sắt trên trục Bắc-Nam đều khẳng định sự cần thiết của việc đầu tư nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt hiện tại kết hợp với việc xây dựng một tuyến đường sắt mới, tốc độ cao.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP.HCM.
Tổng chiều dài tuyến đường là 1.559km, gồm 1.545km đi riêng và 14km đi chung hành lang/hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 trên đoạn từ ga Hà Nội tới ga Ngọc Hồi. Trên tuyến bố trí 24 ga chính và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi - khổ 1.435mm - điện khí hóa.
Theo đề xuất, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2020-2030 đầu tư xây dựng 2 đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang-TP.HCM. Giai đoạn 2 từ 2030-2040 đầu tư xây dựng các đoạn còn lại Vinh-Đà Nẵng và Đà Nẵng-Nha Trang. Đoạn Đà Nẵng-Nha Trang có thể kéo dài tới năm 2045.
Báo cáo cho biết, theo thống kê, hiện nay thế giới đang khai thác và vận hành ổn định đường sắt tốc độ cao ở tốc độ 350km/h. Nếu xét trên góc độ kinh tế thì trên thế giới cũng có những tổng kết đánh giá như sau:
Chi phí đầu tư xây dựng đường sắt có tốc độ 200km/h chỉ thấp hơn khoảng 10% chi phí đầu tư tốc độ 350km/h. Chi phí đầu tư phương tiện và thiết bị có sự chênh lệch lớn (9% - 26%). Chi phí vận hành và bảo dưỡng cũng không có nhiều khác biệt giữa các dải tốc độ.
Qua phân tích kinh nghiệm thế giới, liên danh tư vấn nhận xét: trong dải tốc độ từ 200km/h đến 350km/h không có sự khác biệt nhiều về chi phí xây dựng hạ tầng và chi phí vận hành bảo dưỡng. Ngoài ra, với mỗi dải tốc độ của đường sắt tốc độ cao thì khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, đặc biệt là hàng không cũng có sự ảnh hưởng.
Tại diễn đàn này, đa số các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học đều khẳng định việc xây dựng một tuyến đường sắt an toàn, tin cậy cao, sức chuyên chở lớn, tốc độ nhanh là rất cần thiết, nhưng làm thế nào trong thời gian tới thì còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề về tốc độ, công nghệ, đầu tư, phương án tài chính, nguồn nhân lực, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả kinh tế-xã hội...
Ngoài nhiệm vụ đăng tải một số nội dung quan trọng trong báo cáo tóm tắt báo cáo nghiên cứu nghiên cứu tiền khả thi (thuyết minh về tốc độ, công nghệ, nguồn vốn, phương án tài chính....); ý kiến của các nhà khoa học, các diễn giả tại diễn đàn do LHH tổ chức, Đất Việt cũng ghi nhận thêm ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội xung quanh Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Trước những ý kiến đóng góp sâu sắc của các chuyên gia, nhà khoa học, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản giao Bộ GTVT nghiên cứu nội dung phản ánh về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam trên Đất Việt.