Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam: Bộ GTVT cần tiếp thu

ĐBQH Lê Công Nhường đề nghị phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam 200km/h trong điều kiện ngân sách và trình độ KHKT có hạn.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ GTVT nghiên cứu nội dung phản ánh trên báo Đất Việt về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Theo bài viết "Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chờ thời điểm thích hợp hơn?" đăng tải ngày 19/10, tính cấp thiết, thời sự và tính khoa học của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần được xem xét thận trọng. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu nội dung này.

Bài viết nêu ghi nhận ý kiến đóng góp của chuyên gia trong khuôn khổ diễn đàn "Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, những vấn đề đặt ra" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Tại diễn đàn này, đa số các ý kiến đều khẳng định việc xây dựng một tuyến đường sắt an toàn, tin cậy cao, sức chuyên chở lớn, tốc độ nhanh là rất cần thiết, nhưng làm thế nào trong thời gian tới thì còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có vấn đề về tốc độ, công nghệ, đầu tư, phương án tài chính, nguồn nhân lực, hiệu quả kinh doanh, hiệu quả kinh tế-xã hội...

Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Lê Công Nhường (đoàn Bình Định), Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, người từng chất vấn về việc xây dựng đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam, cho rằng, Bộ GTVT cần tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Góp ý cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, ĐBQH Lê Công Nhường ủng hộ quan điểm của nhiều chuyên gia và cũng là đề xuất đã được ông nêu ra nhiều lần, đó là Việt Nam nên phát triển đường sắt tốc độ cao 200km/h trong điều kiện ngân sách và trình độ khoa học kỹ thuật có hạn, kinh tế chưa phát triển cao.

ĐBQH Lê Công Nhường đề nghị lựa chọn tốc độ 200km/h cho đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam  
ĐBQH Lê Công Nhường đề nghị lựa chọn tốc độ 200km/h cho đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam  

"Với tốc độ khai thác 200km/h thì từ Hà Nội đi TP.HCM mất chừng 6-7 tiếng, như thế là chấp nhận được, hơn là đi máy bay vừa gây kẹt đường ở các cửa ngõ ra vào sân bay, thời gian làm thủ tục lâu. Một gia đình còn nghèo thì không cần sử dụng tàu quá hiện đại, gây lãng phí", đại biểu Lê Công Nhường nói và cho rằng lựa chọn tốc độ chạy tàu 200km/h thay vì 320km/h sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí, bởi tổng mức đầu tư dự án tỷ lệ thuận với tốc độ chạy tàu, tốc độ càng cao, tổng mức đầu tư càng lớn.

"Các chuyên gia đã tính toán, kinh phí đầu tư cho đường sắt tốc độ cao 200km/h sẽ sẽ chỉ bằng 80% kinh phí so với đường sắt 320 km/h mà tư vấn đề xuất", vị đại biểu cho hay và nhắc lại ví dụ ông từng dẫn chứng, đó là tuyến đường sắt từ Nong Khai đi Bangkok (Thái Lan) khoảng 800 km có chi phí hơn 8 tỷ USD, từ đây ông ước tính đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam gần 1.600 km, dự kiến 20 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam có thể xoay xở được.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Công Nhường cũng đề nghị Bộ GTVT cần lưu tâm đến lưu ý của các chuyên gia về mối quan hệ giữa tốc độ vận hành với chiều dài cho sự tăng tốc, giảm tốc. Theo đó, tốc độ vận hành càng cao thì tổng chiều dài của các quãng đường cần có cho sự tăng tốc và giảm tốc trên một khu gian chạy tàu giữa hai nhà ga sẽ càng lớn, việc bố trí các khu gian giữa các nhà ga của đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có đáp ứng được yêu cầu nếu lựa chọn tốc độ 320 km/h? 

Một điểm khác, theo vị đại biểu, Bộ GTVT cần có phương án tài chính chặt chẽ, có cơ chế đặc biệt để giảm những chi phí không cần thiết.

Việc giải quyết nguồn vốn cho dự án sẽ hiệu quả với điều kiện dự án phải công khai, minh bạch. Giai đoạn làm dự án phải thiết thực, có sự lựa chọn, so sánh, suất đầu tư phải ngang bằng với các nước Đông Nam Á, không thể vống lên. Khi có dự án rồi, dự án phải được công khai, minh bạch cho các nhà trí thức, người dân để tham gia đóng góp ý kiến.

Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong đấu thầu. Những người tham gia đấu thầu phải có đủ nguồn lực, tránh tình trạng tay không bắt giặc như các dự án BT, BOT thời gian qua.

"Nếu Việt Nam làm tốt tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, chúng ta có thể dần làm chủ công nghệ, phát triển ngành dịch vụ đường sắt tốc độ cao cho các nước khác trong khu vực ASEAN, biến ngành này thành ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận cho đất nước", ông Nhường kỳ vọng.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 28/10 về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.

“Không gian mở rộng hệ thống đường sắt Việt Nam còn nhiều, một đất nước không thể không có hệ thống đường sắt, nhất là có bờ biển trải dài trên 3.000 km”, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý đến việc chọn công nghệ nào cần có tư duy mới; một mặt giảm đầu tư công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, mặt khác phải tìm nguồn lực để phát triển các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Đồng thời, chuẩn bị mặt bằng cho các dự án này một cách chủ động chứ không “nóng đâu phủi đó”. Chuẩn bị một bước về kết nối quốc tế.

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện báo cáo để sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt. Đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là đối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, coi đây là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên tỉnh, liên vùng, đô thị. Báo cáo cần đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là làm chủ công nghệ mới, những công trình cụ thể, phương án huy động vốn.

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt