Em trai của ông Nguyễn Đức Thụy ứng cử vào HĐQT LienVietPostBank

Ông Nguyễn Đức Thụy tham gia HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) từ 29/4/2021, giữ chức Phó Chủ tịch từ 6/5/2021 và Chủ tịch từ 9/12/2022.

Ông Nguyễn Văn Thùy (sinh năm 1981, em ruột của ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank từ 9/12/2022) được giới thiệu có 13 năm kinh nghiệm về quản lý, điều hành lĩnh vực bảo hiểm, bộ phận tài chính.

Ông Nguyễn Văn Thùy
Ông Nguyễn Văn Thùy

Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 23/4/2023 tại Ninh Bình. Kỳ đại hội lần này sẽ bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028.

HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 có 7 ứng viên với 3 người đang là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 là: ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch; ông Huỳnh Ngọc Huy, Phó Chủ tịch và ông Lê Hồng Phong, thành viên. Các ứng viên mới gồm: ông Hồ Nam Tiến, Quyền Tổng Giám đốc; ông Bùi Thái Hà, Phó Tổng Giám đốc thường trực; ông Nguyễn Văn Thùy và ông Lê Minh Tâm.

Như vậy, nhiệm kỳ mới thiếu vắng 3 thành viên của nhiệm kỳ cũ gồm: ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực; ông Dương Công Toàn, Phó Chủ tịch và bà Dương Hoài Liên, thành viên độc lập.

Ông Nguyễn Văn Thùy (sinh năm 1981, em ruột của ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank) được giới thiệu có 13 năm kinh nghiệm về quản lý, điều hành lĩnh vực bảo hiểm, bộ phận tài chính. Ông Nguyễn Văn Thùy từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành và hiện nay giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Xuân Thành.

Ông Lê Minh Tâm (sinh năm 1971) được giới thiệu có 29 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính. Ông Lê Minh Tâm từng làm việc tại các ngân hàng ACB, ABN AMRO Bank, Deutsche Bank, Hong Leong Việt Nam với các chức vụ cao nhất là Phó Tổng Giám đốc ACB, Tổng Giám đốc Hong Leong Việt Nam. Trong lĩnh vực chứng khoán, ông Lê Minh Tâm từng giữ chức vụ: Tổng Giám đốc ACBS, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tại Maybank KimEng và Yuanta Việt Nam. Ngoài ra, ông Lê Minh từng giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) trong khoản thời gian 1/7/2020 - 23/3/2021. Hiện nay, ông Lê Minh Tâm giữ chức ủy viên HĐQT Yuanta Việt Nam.

BKS nhiệm kỳ 2023 - 2028 của LienVietPostBank có 4 ứng viên, trong đó có 2 ứng viên nhiệm kỳ cũ là ông Trần Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Lan Anh. Hai ứng viên mới là bà Dương Hoài Liên, thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 và ông Nguyễn Phú Minh, Phó Trưởng phòng Tái thẩm định phía Bắc LienVietPostBank.

Lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank giai đoạn 2011 - 2022 và kế hoạch năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank giai đoạn 2011 - 2022 và kế hoạch năm 2023.

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế tăng 56%, đạt 5.690 tỷ đồng

Báo cáo về kết quả kinh doanh năm vừa qua, Ban lãnh đạo cho rằng LienVietPostBank năm 2022 đã có sự tăng trưởng ổn định, hoạt động vận hành an toàn, hiệu quả với kết quả kinh doanh hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận.

Cụ thể, vốn điều lệ 17.291 tỷ đồng, tăng 5.255 tỷ đồng (tương đương 525,5 triệu cổ phiếu) thông qua phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 15% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản đạt 327.746 tỷ đồng, tăng 13% so với thời điểm 31/12/2021; huy động vốn thị trường 1 đạt 250.936 tỷ đồng, tăng 16%; tín dụng thị trường 1 đạt 235.767 tỷ đồng, tăng 12,8%. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2021.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2022 đạt 2.671 đồng/cổ phiếu. Sau trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, LienVietPostBank thực hiện chi trả cổ tức 19% bằng cổ phiếu.

LienVietPostBank đã ký hợp đồng đại lý độc quyền với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam. Hoàn thành chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS 9.

Năm 2023, kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 5,4%, đạt 6.000 tỷ đồng

Năm nay, LienVietPostBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 14,4%, đạt 375.000 tỷ đồng; huy động thị trường 1 tăng 17,9%, đạt 295.740 tỷ đồng; tín dụng thị trường 1 tăng 16%, đạt 273.490 tỷ đồng.

Thu nhập lãi thuần tăng 10,9%, đạt 13.200 tỷ đồng nhưng thu dịch vụ giảm 21,8% (do năm 2022 có khoản thu phí hỗ trợ ban đầu ký kết hợp đồng độc quyền bảo hiểm với Dai-ichi) còn 1.300 tỷ đồng nên kế hoạch lợi nhuận trước thuế chỉ tăng nhẹ 5,4%, đạt 6.000 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 12%.

Để đạt được kế hoạch trên, LienVietPostBank xây dựng nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi chào mừng 15 năm thành lập ngân hàng trên hai kênh huy động tại quầy và online; chính sách lãi suất huy động linh hoạt, chủ động điều chỉnh trong từng giai đoạn; nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm huy động; tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn.

Tín dụng bán lẻ vẫn là định hướng của ngân hàng trong năm 2023 với nhóm sản phẩm mục tiêu được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích, ưu tiên phát triển là nông nghiệp nông thôn, cho vay sản xuất kinh doanh…

Một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của LienVietPostBank (đơn vị tính: tỷ đồng).
Một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh của LienVietPostBank (đơn vị tính: tỷ đồng).

Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 28.676 tỷ đồng

Trong năm 2022, vốn điều lệ của LienVietPostBank đã tăng thêm 5.255 tỷ đồng lên 17.291 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng phát hành 525,5 triệu cổ phiếu thông qua phát hành cổ phiếu ESOP, phát hành trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 15% và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Tại đại hội năm nay, LienVietPostBank có tờ trình vốn điều lệ tăng thêm 11.385 tỷ đồng lên 28.676 tỷ đồng bằng việc phát hành 1.138.530.020 cổ phiếu.

Cụ thể, ngân hàng phát hành 328.530.020 cổ phiếu trả cổ tức năm 2022, tỷ lệ 19%. Chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán 300 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống