Giá căn hộ cao, người mua nhà có thể tìm đến các tỉnh vùng ven
Trên thị trường, tình trạng mất cân bằng cung - cầu của phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục tồn tại. Thị trường ghi nhận sự thiếu hụt về sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2 (hạng C), các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và đã được bán hết. Trước thực trạng này, chuyên gia khuyên người mua nhà nên lựa chọn các sản phẩm ở các tỉnh lân cận.
Giá căn hộ nội đô tiếp tục leo thang
Giá mua bán chung cư liên tục leo thang cũng đẩy giá thuê tăng, nhất là từ giữa năm 2022. VARS ghi nhận nhiều chung cư tăng giá thuê tới 40% so với giai đoạn đỉnh dịch bệnh và khoảng 20% so với giữa năm 2022. Trong đó, căn hộ 1 phòng ngủ tăng mạnh nhất với tỷ suất lợi nhuận cao đến gấp đôi so với những căn có diện tích lớn hơn.
Ví dụ tại một số dự án ở quận Long Biên, khảo sát của VARS cho thấy căn hộ 1 phòng ngủ đang được cho thuê 7-8 triệu đồng/tháng, tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Căn hộ 2 phòng ngủ, đầy đủ nội thất tăng khoảng 10%, đạt 10-11 triệu đồng/tháng.
Tại quận Nam Từ Liêm, chung cư 1 phòng ngủ ở một số khu đô thị đang cho thuê khoảng 10 triệu đồng/tháng, đầy đủ nội thất, còn căn 2 phòng ngủ dao động 14-16 triệu đồng, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.
Tương tự, tại TP.HCM, giá thuê chung cư có xu hướng tăng nhẹ thời gian qua, dao động 500.000 - 1 triệu đồng/tháng tại khu vực nội thành. Trong khi đầu năm 2023, giá cho thuê giữ nguyên, thậm chí giảm nhẹ ở một số chung cư diện tích lớn.
Ông Nguyễn Thạc Cường - Phó tổng giám đốc CTCP Địa ốc Mai Việt cho biết, đang xuất hiện “cơn sốt” trên thị trường căn hộ, đặc biệt tại Hà Nội. Theo ông Cường, tại nhiều khu vực, dự án, giá bán thay đổi từng ngày. Đa số người có ý định mua nhà ở thời điểm này đều xuống tiền rất nhanh khi tìm được sản phẩm phù hợp, thay vì mất nhiều thời gian cân nhắc, chờ đợi giá giảm thêm như giai đoạn trước.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, một lao động ở độ tuổi 30 trở xuống có mức thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ khoản sinh hoạt phí ở những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội thì còn dư khoảng 6 triệu đồng, như vậy cần ít nhất 20 năm mới tích góp được 1,5 tỷ đồng. Còn với mức thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng, muốn mua được một căn hộ 1,5 tỷ đồng cũng phải tích góp trong 10-15 năm. Tuy nhiên, vấn đề là dù có ngay 1,5 tỷ đồng lúc này thì cũng không tìm thấy dự án căn hộ nào ở Hà Nội hay TP.HCM có giá bán như vậy.
Xu hướng dịch chuyển về vùng ven
Theo đánh giá của không ít chuyên gia lĩnh vực bất động sản, tình trạng mất cân bằng cung - cầu của phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục tồn tại. Thị trường tiếp tục ghi nhận sự thiếu hụt về sản phẩm dưới 30 triệu đồng/m2, các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và đã được bán hết.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội nhận định, trước những diễn biến leo thang về giá, một số dự án đã được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế, người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc giá trị sử dụng và mức độ hợp lý của dự án.
"Nhìn chung, nếu giá còn tăng, người mua sẽ xem xét bài toán tài chính của mình. Trong khi nhu cầu ở thực vẫn chiếm tỷ trọng chính, nếu giá tiếp tục đẩy lên cao, người mua có thể cân nhắc và lựa chọn phương án thuê chung cư nội đô, hoặc chấp nhận dịch chuyển nhu cầu tới nguồn cung tại các tỉnh lân cận Hà Nội có giá hợp lý", bà Hằng cho biết.
Theo bà Hằng, tại cả hai thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nhu cầu tự nhiên hàng năm đối với nhà ở là khoảng 50.000 ngôi nhà.
Đây là kết quả của nhập cư, ra ở riêng của những người trưởng thành và số người trung bình trong một nhà giảm… Con số về nguồn cầu này đã không được đáp ứng bởi hạn chế nguồn cung trong một thời gian, khiến nhu cầu về nhà ở bị dồn nén.
Thêm vào đó, các yếu tố vĩ mô như thị trường vàng biến động đi kèm lãi suất ở ngưỡng thấp khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư hợp lý và có tính dài hạn, vô hình chung khiến nhu cầu tìm kiếm căn hộ tại thị trường Hà Nội càng tăng cao.
Bà Đỗ Thị Thu Giang, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Savills Việt Nam cho biết, quá trình sở hữu nhà và tích luỹ vốn thường bắt đầu từ các căn hộ nhỏ giá cả phải chăng, sau đó khi gia đình tích luỹ được tài sản thì mới chuyển đến các căn hộ lớn hơn. Vì vậy, việc mua nhà tại các vị trí tốt thường không khả thi đối với người mua nhà lần đầu.
Tuy nhiên, hạ tầng vẫn là đòn bẩy quan trọng nhất trong việc thay đổi cấu trúc giá trị của thị trường nhà ở. Việc cung cấp hạ tầng giúp giảm thời gian di chuyển và mở ra nhiều sự lựa chọn hơn ở các vùng lân cận, giải quyết được vấn đề về giá cả phải chăng.
“Tình trạng thiếu nhà ở giá vừa túi tiền ở các thành phố lớn là vấn đề không thể phủ nhận. Tuy nhiên, điều này là hợp lý, bởi nó không phải là lựa chọn tiềm năng cho các chủ đầu tư cũng như không phù hợp với người mua nhà lần đầu. Nhà ở vừa túi tiền có sẵn tại khác khu vực vệ tinh, và khi hạ tầng được cải thiện, khoảng cách từ các khu vực này đến trung tâm thành phố sẽ được kéo gần lại”, bà Giang nói.