Giá chung cư Hà Nội vẫn “dựng đứng” trong tháng “cô hồn”
Mặc dù hiện là tháng Ngâu, còn được biết đến là tháng “cô hồn”, mọi người thường có tâm lý kiêng kỵ, không muốn giao dịch trị giá tài sản lớn, trong đó có việc mua nhà. Tuy nhiên, bất chấp điều này, giá chung cư tại Hà Nội vẫn tăng mạnh thời gian này.
Giá chung cư Hà Nội tăng “phi mã” trong tháng “cô hồn”
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023 của CBRE, trong quý II, nguồn cung căn hộ chung cư mới tại Hà Nội khá thấp, chỉ có khoảng hơn 1.800 căn hộ mở bán mới và đa phần là chung cư thuộc phân khúc trung và cao cấp. Chính vì thiếu nguồn cung, nên dù thị trường khó khăn, giao dịch chậm, nhưng giá bán chung cư tiếp tục neo cao.
Cụ thể, số liệu CBRE cho thấy, thời điểm cuối quý II/2023, giá sơ cấp trung bình của thị trường căn hộ chung cư Hà Nội đạt 47,5 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và phí bảo trì), tương đương mức tăng 1,6% so với quý trước và 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái do tỷ trọng sản phẩm cao cấp tăng lên.
Trong số các dự án chào bán sơ cấp trong quý này, có 52% dự án chào bán trên 47 triệu đồng/m2, trong khi các dự án còn lại chào bán từ 35 triệu đồng/m2 trở lên.
Ở thị trường thứ cấp, giá bán trung bình đạt xấp xỉ 31 triệu đồng/m2, gần như không đổi so với quý I/2023 nhưng tăng 3,2% theo năm. Theo vị trí, hầu hết các khu vực đều có giá bán tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông và Bắc Từ Liêm có mức tăng giá thứ cấp cao từ 5- 6% trong năm qua.
Theo CBRE, dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, lượng mở bán mới căn hộ chung cư sẽ cải thiện với hơn 6.300 căn mở bán, nâng tổng nguồn cung mới cả năm 2023 đạt 10.500 căn. Hầu hết lượng mở bán mới sẽ đến từ các đợt mở bán tiếp theo của các dự án thuộc khu đô thị ở phía Tây Hà Nội và thuộc phân khúc cao cấp.
Do đó, giá sơ cấp trung bình được dự báo sẽ duy trì trong khoảng 47 – 49 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2023, tương đương mức tăng trưởng 5% theo năm.
Đáng chú ý, kể từ đầu tháng 8 đến nay, theo khảo sát từ một số môi giới tại Hà Nội cho thấy, có những dự án chung cư mở bán đợt đầu gây choáng cho khách hàng khi giá lên tới hơn 80 - 90 triệu đồng/m2, hầu hết các dự án khác có giá từ 39 triệu đồng/m2 trở lên.
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS), tại Hà Nội và TP.HCM hiện nay không có dự án mới nên rất khan hiếm hàng. Sự khan hiếm còn do các chủ dự án, đặc biệt các sàn, nhóm nhân viên môi giới muốn đánh đòn tâm lý tạo khan hiếm giả, kích thích người có nhu cầu “mua ngay kẻo hết”.
“Giá chung cư hiện rất cao, nhưng cũng chỉ nằm trong khoảng từ 2,5 - 5 tỷ đồng, và vẫn phù hợp với khả năng của nhiều người, trong khi giá nhà đất tới hơn 10 tỷ đồng thì sản phẩm đó vượt khả năng chi trả của đại bộ phận người lao động nên rất khó. Do vậy, chung cư là một sản phẩm rất phù hợp nên giá bị đẩy lên cao là điều đương nhiên”, ông Đính nói.
Có nên mua nhà thời điểm này?
Trong quan niệm của người Việt từ xa xưa, tháng 7 Âm lịch ( tháng cô hồn) thường được xem là thời điểm hạn chế các hoạt động quan trọng như kết hôn, mua nhà đất, khởi công xây dựng, hay bất kỳ việc gì có thể đem lại tác động lớn đến cuộc sống gia đình.
Do đó, trong tháng này tâm lý người mua sẽ có phần kiêng kỵ.
Ngoài ra, đây cũng là tháng mưa ngâu, việc những trận mưa kéo dài nhiều ngày liên tiếp thường hay xuất hiện vào thời gian này cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch mua nhà hay khởi công xây nhà của gia chủ. Cũng bởi thế mà dù các doanh nghiệp địa ốc tung ra các chương trình khuyến mại, giảm giá mạnh để hút khách hàng mua nhà, đất nhưng vẫn vắng bóng khách hàng trong mọi giao dịch.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, việc kiêng kỵ mua nhà đất trong tháng 7 âm lịch đã không còn quá nặng nề. Nhiều người còn chọn xuống tiền vào thời điểm này để được giảm giá, hưởng ưu đãi...
Theo đó, một số môi giới bất động sản cho rằng, mua nhà trong tháng 7 âm lịch, người mua sẽ được hưởng lợi. Bởi trong khi vẫn còn nhiều người có tâm lý e ngại thì để kích cầu, các doanh nghiệp sẽ tung ra nhiều chính sách ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn như giảm giá 3-5%, tặng nội thất, vàng hay vé du lịch...
Trong khi đó, các chuyên gia bất động sản cũng nhận xét rằng, chuyện kiêng kỵ tháng ngâu phổ biến khi quy mô thị trường còn nhỏ, nhưng thị trường hiện đã lớn nên tâm lý này cũng dần mất đi. Những năm gần đây, giao dịch bất động sản trong tháng 7 âm lịch không quá chênh lệch so với những tháng liền kề.
Nguyên nhân không chỉ do người mua dần thay đổi mà còn bởi các doanh nghiệp đã chủ động hút khách bằng các chương trình bán hàng hấp dẫn. Nhiều chủ đầu tư còn cho khách đặt cọc, lùi thời hạn ký hợp đồng nhưng vẫn được hưởng ưu đãi áp dụng riêng trong tháng 7 âm lịch.
Hơn nữa, một số chuyên gia phong thủy cũng cho rằng, khi mua nhà thì điều cần quan tâm khi mua nhà đất là hướng nhà, hướng cửa ngõ chứ không phải tháng mua nhà.