Chung cư Hà Nội khó có chuyện giảm giá

Mặc dù thị trường bất động sản có nhiều biến động nhưng phân khúc căn hộ chung cư vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhóm đối tượng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn.

Nhu cầu lớn, xu hướng giá tiếp tục neo ở mức cao

Theo chuyên gia, năm 2023 vẫn hiện hữu các yếu tố thúc đẩy giá bất động sản ở Hà Nội tăng. Đặc biệt với loại hình chung cư khi nguồn cung eo hẹp, nhu cầu lớn, xu hướng giá tiếp tục neo ở mức cao.

Số liệu từ Batdongsan.com.vn ghi nhận, tính đến tháng 2/2023, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận tốc độ tăng trưởng giá bán khá tốt. Trong đó, mặt bằng trung bình giá căn hộ bình dân tăng 16%, căn hộ trung cấp tăng 17%, căn hộ cao cấp tăng 9%.

Tại Hà Nội, giá bán và cho thuê chung cư trên địa bàn đều tăng mạnh.  
Tại Hà Nội, giá bán và cho thuê chung cư trên địa bàn đều tăng mạnh.  

Bên cạnh đó, đơn vị này cho rằng, càng nắm giữ nhiều bất động sản, xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của người tiêu dùng càng tăng. Tỷ lệ người dự định mua bất động sản trong năm 2023 là 46% với đối tượng chưa có bất động sản nào, con số này với nhóm những người sở hữu 2 bất động sản là 79% và lên đến 87% ở nhóm những người đã có trên 3 sản phẩm. Tín hiệu này phần nào thể hiện xu hướng khách hàng đã tìm kiếm, nghe ngóng nhiều hơn về các cơ hội mua căn hộ chung cư.

Theo ghi nhận của Bộ Xây dựng, căn hộ chung cư để ở, có quy mô, tiện ích và chất lượng tốt ở Hà Nội, TP HCM và các tỉnh vẫn thu hút sự quan tâm của người dân có nhu cầu ở thực, trong đó có cả nhu cầu sản phẩm cao cấp. Lượng tìm kiếm và mua bán căn hộ chung cư tăng mạnh kể từ nửa cuối quý I/2023 ở cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số dự án chung cư được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, vị trí thuận tiện và chất lượng có tỷ lệ hấp thụ cao.

Theo thống kê của One Mount, hầu hết các phân khúc bất động sản vẫn còn ảm đạm, nhưng với chung cư tại Hà Nội lại chứng kiến sự tăng giá không ngừng, duy trì mức tăng 13% mỗi năm. Giá cho thuê trung bình hiện vào khoảng 10 triệu đồng/tháng, tăng 4,5% so với năm trước. Điều này cho thấy “đầu ra” của phân khúc căn hộ luôn có “cửa sáng” vì nguồn cung phục vụ nhu cầu ở thực ít hơn nguồn cầu.

Chuyên gia nhận định, tại Hà Nội, lợi nhuận từ việc cho thuê căn hộ năm 2022 là 4,4%, gấp 1,7 lần tỷ suất cho thuê của nhà mặt phố. Với tỷ suất lợi nhuận này, chủ nhân của căn hộ tránh được phần lạm phát tầm 4 - 4,5%/năm nếu giữ tiền mặt, và còn sinh lời từ phần trăm lợi nhuận tăng giá vốn trong tương lai. Mà khi giá thuê tăng, đồng nghĩa với giá bất động sản nơi đó cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư lựa chọn căn hộ như một hình thức đầu tư sinh dòng tiền đều đặn và dài hạn.

Nguồn cung hiếm hoi, giá chung cư khó giảm

Xét về giá bán, chuyên gia cho rằng sẽ có xu hướng tăng chứ khó có thể giảm. Bởi điểm danh tất cả các yếu tố đầu vào, không có yếu tố nào có thể tác động kéo giảm giá căn hộ, nhất là với phân khúc trung và cao cấp: Vấn đề pháp lý còn nhiều vướng mắc, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, tiền thuê các đối tác quốc tế tăng; sắp tới, khi bỏ khung giá đất, giá đền bù tiệm cận giá thị trường nên sẽ tăng cao hơn…

Phân tích về hiện tượng giá chung cư tăng, ông Trần Minh Tiến, Trưởng phòng cao cấp - Phòng nghiên cứu thị trường & am hiểu khách hàng OneHousing phân tích, phân khúc chung cư đang có sự chênh lệch rất lớn giữa cung và cầu. Số lượng giao dịch giảm do lượng cung sản phẩm mới ra thị trường giảm. Số lượng dự án mở bán mới cả năm ngoái và năm nay thực tế rất ít do quỹ đất cho các dự án mới ngày càng hạn chế. Đồng thời, tình trạng pháp lý các dự án khó khăn hơn với hơn 1.000 dự án vẫn đang xếp hàng chờ phê duyệt khiến rất ít sản phẩm mới ra thị trường.

Trên thị trường lại ghi nhận tín hiệu cho thấy lực cầu sản phẩm chung cư tăng với đối tượng người mua cho nhu cầu ở và cho thuê. Những tín hiệu giảm có thể đã xuất hiện ở các phân khúc khác như bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền, còn các dự án chung cư của chủ đầu tư uy tín vẫn ghi nhận thanh khoản tốt.

Trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng, nguồn cung hiếm hoi, giá chung cư khó giảm.  
Trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng, nguồn cung hiếm hoi, giá chung cư khó giảm.  

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam thừa nhận, rất khó để giá nhà sơ cấp giảm trong bối cảnh mọi chi phí phát triển dự án đều đang tăng. Ông Tuấn phân tích, vấn đề lớn nhất lại là thiếu hụt sản phẩm chào bán, không có chuyện thừa cung, thiếu cầu mà ngược lại, nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn nhưng nguồn cung thì khan hiếm. Vậy nên dù thanh khoản kém thì giá sơ cấp vẫn sẽ khó giảm. Bên cạnh đó, các yếu tố quyết định giá bán như chi phí vật liệu xây dựng, nhân công, tiền sử dụng đất, thuế phí… đều đang tăng. Sắp tới đây, Luật Đất đai sẽ đưa giá đất sát giá thị trường, giá nhà cũng vì vậy sẽ phải điều chỉnh theo nên rất khó để chủ đầu tư giảm giá bán.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Văn Đính, bên cạnh những tác động bởi yếu tố khan hiếm nguồn cung mới, vấn đề cơ chế cũng có phần tác động tích cực đến thị trường BĐS nói chung và việc tăng giá của phân khúc căn hộ chung cư tại thị trường Hà Nội như: Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc chào bán, giao dịch trái phiếu.

Từ đầu năm đến nay, thị trường nhà ở tại Hà Nội xuất hiện một số chủ đầu tư thực hiện chính sách chiết khấu cao từ 20 – 30%, thậm chí có dự án sẵn sàng chiết khấu cho khách hàng đến 40% giá trị sản phẩm nhưng với điều kiện khách hàng phải thanh toán một lần cho 95% giá trị hợp đồng.

Nhiều thông tin cho rằng, giá nhà ở Hà Nội đang có xu hướng giảm mạnh nhưng thực tế không phải như vậy. Bên cạnh đó, giá nhà ở hiện tại cũng đã cao hơn rất nhiều so với thời điểm chủ đầu tư bắt đầu triển khai, nên chiết khấu cao được xem là chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư.

Các chuyên gia dự báo, trong năm 2023 phân khúc căn hộ chung cư tại thị trường Hà Nội sẽ giữ mức tăng từ 4 – 7% so với năm 2022 và mức tăng này sẽ duy trì ổn định trong vòng 3 năm tới, nhờ việc chủ đầu tư nâng cấp định vị của các dự án khu đô thị cũng như dự kiến mở bán dự án cao cấp tại vị trí đắc địa.

“Trong năm 2023, phân khúc căn hộ chung cư ở thị trường Hà Nội sẽ được quan tâm nhiều hơn sản phẩm thấp tầng, do mức giá của sản phẩm thấp tầng đang ở mức cao. Với những dự án mới tung ra có mức giá hợp lý, vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín, chất lượng sản phẩm và pháp lý đảm bảo thì lượng cầu quyết định mua để ở hoặc đầu tư trong dài hạn vẫn cao. Vì vậy, với tình hình hiện tại khách hàng khó có thể chờ “vùng đáy” để xuống tiền bởi khó khăn về nguồn cung”, Giám đốc cấp cao, bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Đỗ Thu Hằng nhận định.

Các chuyên gia đều chung quan điểm về việc khủng hoảng nguồn cung trên thị trường chưa thể giải quyết trong ngắn hạn và theo quy luật thị trường, khi nhu cầu lớn nhưng sản phẩm trở nên hiếm hoi hơn thì đương nhiên giá sẽ tăng chứ không thể giảm.

Mặt khác, để triển khai dự án BĐS, thời gian qua các chủ đầu tư chịu áp lực lớn do sự tăng cao của chi phí đất đai, vật liệu xây dựng, nhân công... cũng là nguyên nhân khiến giá BĐS tăng, đặc biệt là sản phẩm thuộc phân khúc trung, cao cấp - chịu chi phí lớn hơn do đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, hạ tầng, dịch vụ.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển