Giá đất nền phía Tây Hà Nội: Lại “đánh đu” với dự án hạ tầng… “trên giấy”!

- Quy hoạch vẫn ở “trên giấy” và chưa biết các dự án hạ tầng bao giờ mới được triển khai. Tuy nhiên, những dự án hạ tầng “trên giấy” phía Tây Hà Nội đã nhanh chóng được giới đầu cơ tận dụng để bơm thổi giá đất nền.

 

Tăng giá 50% chỉ là tin đồn

Đầu năm 2017, thông tin dự án trục đường Tây Thăng Long và dự án đô thị VinCity sẽ được triển khai đã thổi làn gió mới đối với thị trường đất nền nhiều khu vực huyện Đan Phượng.

Giá đất nền phía Tây Hà Nội: Lại “đánh đu” với dự án hạ tầng… “trên giấy”! - Ảnh 1

Việc hàng loạt dự án hạ tầng được quy hoạch, dù chưa triển khai, đã đẩy giá đất nền các huyện Đan Phượng, Hoài Đức tăng nhanh trong năm qua.
 

Theo đó, giá đất nền nhiều khu vực bị giới đầu cơ bơm thổi, tăng giá liên tục. Nếu so sánh giá đất nền tại nhiều khu vực huyện Đan Phượng thời điểm quý 2/2017 so với năm 2015, là thời điểm thị trường đất nền bắt đầu hồi phục, giá đất nền nhiều khu vực tăng từ 30 – 40%.

Cụ thể, giá đất mặt đường lớn trung tâm được chào bán từ 50-60 triệu đồng/m2. Trong khi đất trong ngõ, giá cũng được chào bán lên đến 20 đến trên 30 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Toàn, một đại diện văn phòng môi giới tại xã Tân Lập (Đan Phượng) cho biết: Mức giá trên chỉ là mức giá chào bán, còn giá giao dịch thực tế có thể thấp hơn rất nhiều, thậm chí đất trong ngõ nhiều vị trí giá chưa tới 10 triệu đồng/m2.

“Thực tế, mức tăng giá cũng không lên đến 30 hay 50% như một số đơn vị truyền thông phản ánh”, anh Toàn nói và cho rằng, có rất ít giao dịch để kiểm chứng thông tin về sự tăng giá đất nền tại một số khu vực huyện Đan Phượng như một số đơn vị truyền thông phản ánh.

Lý giải về việc giá đất nền tại nhiều khu vực bị đẩy lên cao thời gian qua, anh Toàn cho rằng, có thể vì nhiều người tin trục đường Tây Thăng Long và dự án đô thị VinCity sẽ sớm được triển khai. Tuy nhiên dự án VinCity thực tế đến nay vẫn chưa được triển khai, trong khi trục đường Tây Thăng Long đã được quy hoạch gần chục năm nay, đến nay vẫn đang trong giai đoạn thẩm định dự án.

Giá đất nền phía Tây Hà Nội: Lại “đánh đu” với dự án hạ tầng… “trên giấy”! - Ảnh 2

Giá đất nền huyện Hoài Đức tăng nhanh trước "cơn bão" đầu tư hạ tầng, nhưng trên địa bàn, hàng loạt dự án đô thị vẫn bị bỏ hoang, không được chủ đầu tư triển khai. Trong ảnh là khu đô thị Kim Chung Di Trạch tại huyện Hoài Đức.
 

Việc chậm triển khai các dự án kể trên, theo anh Toàn, đang có tác động tiêu cực đến thị trường đất nền tại huyện Đan Phượng, khi giao dịch mua bán trên thị trường rất trầm lắng.

Và nhiễu loạn đất nền vì tin “lên quận”!

Không chỉ huyện Đan Phượng, mà thị trường bất động sản huyện Hoài Đức ở phía Tây Hà Nội thời gian qua cũng bị nhiễu loạn và có dấu hiệu bị thổi giá trước thông tin hàng loạt dự án hạ tầng sẽ được triển khai cùng với việc nâng cấp huyện này lên quận.

Theo quyết định số 519/QĐ-TTg về quy hoạch giao thông Hà Nội, hàng loạt dự án giao thông sẽ được triển khai từ nay đến năm 2020 (là thời điểm Hoài Đức dự kiến lên quận).

Các dự án giao thông dự kiến được triển khai trước năm 2020 qua huyện Hoài Đức có thể kể đến, như: Dự án mở rộng Quốc Lộ 32 dài 40 km, rộng 35 m, kết nối với đô thị vệ tinh Sơn Tây; Dự án đường nối từ Quốc lộ 32 ra Đại lộ Thăng Long, dài 6 km, rộng 60 m; Dự án Mở rộng đường tỉnh lộ 432, dài 18 km, rộng 21 m, kết nối với đô thị Quốc Oai; Dự án Xây dựng tuyến đường kết nối Phú Thượng - Thượng Cát - Liên Hồng - Đức Thượng - An Khánh, dài 27 km, rộng 40 m; Dự án Xây dựng tuyến đường An Khánh - Tây Mỗ, dài 3 km, rộng 40 m. Và mới đây, thông tin Hà Nội sẽ triển khai dự án đường 3.5 từ Quốc lộ 32 qua Hà Đông, chạy qua nhiều khu vực huyện Hoài Đức.

Mặc dù rất nhiều dự án hạ tầng đã được quy hoạch và có kế hoạch triển khai nhưng hầu hết dự án vẫn chỉ tồn tại “trên giấy”.

Dù vậy, “cơn bão” quy hoạch dự án hạ tầng và thông tin lên quận của Hoài Đức đã được giới đầu cơ tận dụng, đẩy giá đất nền nhiều khu vực tại Hoài Đức tăng nhanh.

Theo khảo sát tại nhiều trung tâm môi giới, giá đất nhiều khu vực tại xã An Khánh, An Thượng, Sơn Đồng, nhiều vị trí tăng 30-40% trong khoảng hơn 1 năm qua. Cá biệt, một số vị trí tại xã An Khánh, được giới môi giới hét giá 70-80 triệu đồng/m2. Tại xã Sơn Đồng, có vị trí được chào giá đến trên 100 triệu đồng/m2…

Mặc dù giá đất tăng nhanh, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, giao dịch lại rất hiếm và mức giá giao dịch cũng thấp hơn nhiều giá bán được chào bán trên thị trường.

Được biết trong 2 năm qua, mặc dù thị trường đất nền tại Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trên địa bàn Hoài Đức, có 2 dự án đất nền lớn đã được triển khai, là Vinhomes Thăng Long và giai đoạn 2 của dự án Splendora. Tuy nhiên, việc bán các sản phẩm nhà ở tháp tầng tại các dự án này sau đó cũng không hề đơn giản.

Trong khi giá đất nền trong dân liên tục được bơm thổi, tăng giá đến chóng mặt, thì nhiều dự án khu đô thị đã được triển khai từ nhiều năm trước, như: Nam An Khánh, Kim Chung Di Trạch, doanh nghiệp vẫn “án binh bất động”, không dám mở bán, lẫn đầu tư triển khai vì thị trường quá khó khăn.

Câu chuyện tăng giá đất ăn theo hệ thống hạ tầng và thông tin lên quận tại huyện Hoài Đức, vì thế, như là câu chuyện “cổ tích”, được giới đầu cơ thêu dệt để đánh lừa những ai còn tin vào sự huyền diệu của các dự án hạ tầng “trên giấy”, như đã xảy ra ở khu vực phía Tây Hà Nội thời điểm những năm 2010 về trước.

 

>>> TP. Hồ Chí Minh: Nghịch lý biệt thự bỏ hoang vẫn neo giá "trên trời"

>>> Dự án Đạt Gia Residence chưa nghiệm thu đã bàn giao nhà

Theo Thái Bình

Báo Thời Đại