Giá thép phi mã, hai Bộ tìm cách chặn đà tăng

Giá thép tăng đột biến, Bộ Xây dựng và Bộ Công thương đưa ra nhiều giải pháp để chặn ghìm đà tăng của mặt hàng quan trọng này.

Giá thép bất thường và câu chuyện thị trường...

Thời gian qua, giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45%.

Theo Bộ Xây dựng, giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật tăng giá thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng. 

Trong khi đó, đại diện Bộ Công thương cho biết, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.

Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite...

Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn…

Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước. Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD ).

Về quặng sắt (nguyên liệu chủ yếu để luyện thép) của Việt Nam có trữ lượng và tài nguyên dự báo chỉ khoảng 1,3 tỷ tấn. Trong đó, lớn nhất là 2 mỏ gồm: Mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn đã dừng hoạt động từ năm 2011 đến nay chưa hoạt động trở lại; Mỏ sắt Quý Xa với trữ lượng khoảng 124 triệu tấn, được cấp phép khai thác từ năm 2007 với công suất 3 triệu tấn/năm, thời hạn giấy phép khai thác hết năm 2020. Hiện nay, một số cơ quan chỉ thống nhất cấp phép lại với công suất 900.000 tấn/năm (chỉ để phục vụ đủ cho nhà máy Gang thép Lào Cai).

Giá thép phi mã, hai Bộ tìm cách chặn đà tăng - Ảnh 1
Giá thép tăng đột biến trong thời gian qua. Ảnh: Đầu tư

Cục Công nghiệp cho biết, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (CSA) cho rằng, giá théo tăng giảm là vấn đề quan hệ cung cầu, thị trường.

Minh chứng điều này, ông Đa cho biết, quý I/2020, giá thép giảm, giữ ở mức thấp cho đến tận quý III, sau đó đến tháng 9 và 10 năm 2020 giá thép phục hồi.

Việc tăng cao bắt đầu xuất hiện từ cuối quý IV/2020 cho đến nay, mức tăng phải vào 40-50%. Đây là tăng mạnh, liên tục và trong thời gian ngắn.

"Chúng ta bất ngờ về sự tăng mạnh, tăng nhanh của nhiều hàng hóa, kim loại cơ bản chứ không chỉ là thép, nhưng không phải là sự bất thường, tăng có nguyên nhân xuất phát từ cung cầu thị trường. Thị trường thép toàn cầu đều chứng kiến đợt tăng giá mạnh này.

Giá thép trong nước tăng là do chi phí đầu vào tất cả các nguyên liệu sản xuất đều tăng. Từ quặng sắt, điện cực graphite, thép phế và nguyên vật liệu khác đều phụ thuộc vào thị trường thế giới. Thị trường thế giới tăng lên, chi phí sản xuất tăng lên thị trong nước, kéo theo giá thép thành phẩm tăng. Câu chuyện là thị trường", Chủ tịch VSA nói.

Kiềm chế xuất khẩu, ưu đãi nhà đầu tư trong nước?

Nhằm giảm thiểu tác động của biến động giá vật liệu xây dựng, nhất là giá thép, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương cập nhật, điều chỉnh công bố giá, chỉ số giá xây dựng kịp thời, phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Với những vật liệu quan trọng, có biến động giá lớn, khi cần thiết có thể công bố giá hàng tháng hoặc sớm hơn. Điều này giúp cho các doanh nghiệp tính toán, quản lý được chi phí, hợp đồng xây dựng.

Bộ này cũng đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công...

Trong khi đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bộ Công thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Ngày 11/5, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đề nghị Hiệp hội rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công thương cũng đề nghị Hiệp hội Thép thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Trước đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng; chỉ đạo Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế trong năm 2021 để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm thép các loại giúp các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Về giải pháp dài hạn ổn định cung-cầu, đối với thép xây dựng, Bộ Công thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (quặng, thép phế liệu, điện cực..) nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới.

Đối với thép cuộn cán nóng, Bộ Công thương dự báo, thép cuộn cán nóng sẽ vẫn mất cân đối cung- cầu (sẽ càng tăng mạnh) trong thời gian tới do nhu cầu thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ngày càng tăng.

Do đó, để tăng nguồn cung các loại thép phục vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.

Trung Quốc cảnh cáo các nhà máy thép lợi dụng tăng giá

Ngày 14/5, các cơ quan quản lý ở thành phố Thượng Hải và Đường Sơn (Trung Quốc) đã cảnh cáo các công ty thép địa phương về việc lợi dụng giá tăng, thông đồng và lan truyền thông tin sai lệch để bán giá cao kiếm lời, sau khi giá sắt thép tăng cao kỷ lục trong những ngày gần đây.

Theo Reuters,  cơ quan quản lý thị trường thành phố Thượng Hải đã ra thông báo về việc đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác làm việc với các nhà máy thép, yêu cầu họ "báo giá bán hợp lý" và phối hợp trong việc ổn định giá sắt thép.

"Các công ty sản xuất và kinh doanh thép ... không được bịa đặt hoặc tung tin tăng giá để gây rối trật tự thị trường", thông báo này nêu rõ.

Ngoài ra, thông báo cũng cấm việc tăng giá quá mạnh, trừ khi "có những thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất".

Trung tâm thép Đường Sơn của Trung Quốc – nơi sản xuất ra nhiều thép hơn cả Ấn Độ - nước sản xuất thép lớn thứ 2 thế giới – cũng đã đưa ra một thông báo sau khi đã làm việc với tất cả các nhà máy thép trong thành phố. Đường Sơn cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc những nhà sản xuất thép bị phát hiện đã thao túng giá thị trường hoặc găm hàng tích trữ.

Sau khi Đường Sơn và Thượng Hải ra những thông báo trên, giá sắt thép giảm mạnh, kéo dài phiên giảm thứ 2 liên tiếp.

Theo đó, giá thép thanh vằn – chủ yếu dùng trong xây dựng – trên sàn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 10, kết thúc phiên 14/5 giảm 6% xuống 5.640 CNY (876,61 USD)/tấn; thép cuộn cán nóng – chủ yếu sử dụng trong lĩnh vực sản xuất – cũng giảm 6% xuống 6.135 CNY/tấn, đưa mức giảm tổng cộng trong 2 phiên vừa qua của cả 2 loại lên khoảng 9%.

Mặc dù vậy, tính chung cả tuần này, giá thép vẫn tăng trên 2%; tính từ đầu năm đến nay thì giá 2 loại thép này đều tăng lần lượt 34% và 43%. -

Giá thép lao dốc gây áp lực giảm giá lên các nguyên liệu sản xuất thép.

Bộ phận Dịch vụ đầu tư của Moody’s cho biết giá quặng sắt tăng cao gần đây nhưng khó duy trì cao một cách bền vững. Tuy nhiên, tổ chức này dự báo các yếu tố cơ bản của thị trường quặng sắt sẽ vẫn mạnh trong năm nay, do nguồn cung vẫn hạn chế.

Ngân hàng ANZ ngày 13/5 cũng hạ mức dự báo về giá quặng sắt ở thời điểm cuối năm 2021 xuống 150 USD/tấn với lý do Trung Quốc sẽ dần dần loại bỏ các biện pháp kích thích, hoạt động xây dựng sắp qua mùa cao điểm và rất ít khả năng Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp kiềm chế nhập khẩu quặng sắt Australia.

Minh Thái

Theo Đất Việt