Giá và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm?

Trong năm 2023, Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng. Nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa hết khó khăn.

Theo số liệu thống kê trong năm 2023, cả nước đón nhận khoảng 3.165 sản phẩm bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng mới con số này ghi nhận giảm hơn 80% so với năm 2022. Cùng với việc giảm nguồn cung giá phân khúc này cũng giảm khoảng 50% trên thị trường thứ cấp nhưng thị trường vẫn có rất ít giao dịch.

Giao dịch sụt giảm, nhà đầu tư mắc kẹt ở BĐS nghỉ dưỡng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, nước ta đón 12,6 triệu lượt du khách quốc tế - gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Có thể nói, những chính sách thông thoáng với ngành du lịch thời gian qua đã tạo điều kiện cho ngành phát triển, hướng tới phục hồi hoàn toàn như trước thời điểm COVID-19.

Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành du lịch gắn với phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như pháp lý, thủ tục hành chính và khơi thông nguồn vốn…

Giá và lượng giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục giảm? - Ảnh 1

VARS cho biết, nửa đầu năm 2023, lượng giao dịch chưa phục hồi như kỳ vọng do một số dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa thể "ra hàng". Trong khi đó, hàng tồn kho chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ các nhà đầu tư mua trước đó.

Sang quý III/2023, nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được cải thiện từ các dự án condotel, chủ yếu ở miền Trung và miền Nam với mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2; quý IV/2023 thị trường thêm nhộn nhịp nhờ một số dự án, chương trình "chạy giá dự kiến", mở bán quy mô lớn. Cụ thể, có khoảng 913 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, tương đương nguồn cung quý III/2023 và chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về các phân khúc của bất động sản nghỉ dưỡng, trong năm 2023, phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung sơ cấp trong năm 2023 đến từ 34 dự án, cung cấp ra thị trường khoảng 3.271 căn, giảm 62% so với năm 2022.

Sức cầu thị trường giảm mạnh với lượng tiêu thụ đạt khoảng 366 căn, tương đương 6% so với năm ngoái. Giao dịch đa phần tập trung tại những dự án có pháp lý hoàn thiện, được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn và có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.

Trong khi đó, phân khúc condotel trong năm 2023 ghi nhận 5.937 căn được mở bán đến từ 45 dự án (trong đó có 4 dự án mới). Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt 20% (1.164 căn).

Động lực nào cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng?

Bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư của VARS nhận định, năm 2024 được hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch. Trong đó bao gồm chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng, cùng với chính sách giảm thuế GTGT 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức, sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường. Qua đó, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội được cải thiện, tăng khoảng 20% so với năm 2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, loại hình căn hộ biển sẽ là điểm nhấn của phân khúc do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền. Đặc biệt, liên quan đất đai, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 đã tháo gỡ cho việc cấp sổ hồng cho các loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng... thời gian tới sẽ có độ ngấm nhất định, tạo hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư. Theo đó, hỗ trợ sự bứt phá trở lại của bất động sản nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, ông Phạm Lâm, Chủ tịch HĐQT DKRA dự báo với bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2024 vẫn chưa thể có nhiều tín hiệu khả quan. Sức cầu chung thị trường tiếp tục đà giảm, kéo dài đến hết năm.

Theo đó, nguồn cung mới sẽ tiếp tục sụt giảm, condotel dự báo giảm so với năm 2023, dao động khoảng 800 - 1.000 căn.

Trong khi đó, nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dự báo sẽ tương đương năm 2023, lần lượt dao động ở mức 250 - 300 căn biệt thự nghỉ dưỡng và 200 - 300 căn nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng.

Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và khó có những biến động rõ nét trong năm tới. Để tồn tại, các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải tung các chính sách chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết cho thuê,… tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong năm 2024.

Các chuyên gia cho rằng, vẫn cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan như du lịch, dịch vụ để đảm bảo thị trường bất động sản có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về “chất”. Đây là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Hà Thu

Theo Chất lượng và cuộc sống