Giai đoạn mới trong thu hút vốn FDI của TP. HCM
Hai năm liên tiếp TP. HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Do vậy, năm 2024, TP. HCM đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững ngôi quán quân. Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, TP. HCM đang bước sang giai đoạn mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Giai đoạn mới trong lĩnh vực thu hút vốn FDI
TP. HCM đang đứng đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với 12.520 dự án. Riêng năm 2023, thành phố thu hút 5,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 5,48% so với năm 2022. Tính trong 2 tháng đầu năm 2024, TP. HCM dẫn đầu cả nước về số dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.
Đáng chú ý, năm 2023, lần đầu tiên tổng vốn đầu tư rót vào các khu công nghiệp (KCN) ở TP. HCM (cấp mới và điều chỉnh) vượt 1 tỷ USD, đạt gần gấp đôi kế hoạch và tăng 84% so với năm 2022. Trong đó, có gần 223 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng hơn 13% so với năm 2022. Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính...
Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM (Hepza), suất đầu tư bình quân trên mỗi ha đất là 8,1 triệu USD, riêng các dự án đầu tư nước ngoài là gần 11,6 triệu USD/ha.
Các chuyên gia cho hay, nhiều năm qua, một trong những điểm yếu trong thu hút đầu tư vào TP. HCM là thiếu quỹ đất, nhất là quỹ đất lớn, đất liền thửa để hút những dự án có quy mô lớn. Để giải quyết điểm nghẽn này, ông Hứa Quốc Hưng cho biết, Thủ tướng đã chấp thuận bổ sung KCN Phạm Văn Hai I và II với quy mô 668ha vào quy hoạch phát triển các KCN của TP. HCM.
Bên cạnh đó, Hepza cũng đề xuất đưa vào quy hoạch hàng nghìn ha quỹ đất cho KCN, nếu được thông qua thì đây là nguồn lực đất đai chuẩn bị cho giai đoạn 2024 và các năm tiếp theo để đón các nhà đầu tư lớn.
Tại các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho hay, TP. HCM đang bước sang giai đoạn mới trong lĩnh vực thu hút đầu tư. TP. HCM ưu tiên cho các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng; tập trung ưu tiên phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.
Cơ hội bứt phá trong thu hút đầu tư
Tại hội nghị “Triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới” vừa tổ chức tại TP. HCM, các chuyên gia đã khẳng định bối cảnh áp thuế tối thiểu toàn cầu cùng những diễn biến của kinh tế thế giới hiện nay đang mang đến cho Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng cơ hội để bứt phá trong thu hút đầu tư, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.
2024 là năm đầu tiên Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%. Điều này vừa tạo điều kiện để gia tăng nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng đồng thời sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và môi trường đầu tư của Việt Nam.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trọng tài viên VIAC, cho rằng thế giới hiện nay đang đối diện với khủng hoảng, nhưng đồng thời cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Cả thế giới đang tái cấu trúc nền kinh tế, theo hướng xanh, số, công nghệ. Trong 3 năm qua, FDI toàn cầu suy giảm cả về cam kết và thực hiện. Nhưng tại Việt Nam FDI cam kết ngày càng tăng mạnh, số lượng giải ngân cũng tốt lên từng năm. Chưa bao giờ việc thu hút những “đại bàng”, nhà đầu tư chiến lược, chất lượng có thể trở thành hiện thực như bây giờ. Theo TS Võ Trí Thành, để không bỏ lỡ cơ hội này, Việt Nam và TP. HCM cần cái nhìn rất đa chiều, đầy đủ về các nhà đầu tư chiến lược.
Cụ thể hơn, theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TP. HCM, nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư phải giúp chúng ta nâng cao năng lực công nghệ và xây dựng được cả hệ sinh thái doanh nghiệp. Ông Thi cũng nhấn mạnh rằng TP. HCM phải đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong xây dựng thể chế của quốc gia và thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Về việc thu hút nhà đầu tư chiến lược hiện nay, theo TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, Nghị quyết 98 quy định cụ thể về tiêu chí của một nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, điều băn khoăn là họ vẫn phải tham gia đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.
Lãnh đạo sợ rủi ro pháp lý, nhà đầu tư bỏ đi vì chậm trễ thủ tục
Đáng chú ý, trong việc thu hút nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại trước thực trạng công chức, lãnh đạo vì phải đối mặt với rủi ro pháp lý, nên không dám đưa ra quyết sách, khiến nhà đầu tư bị chậm trễ thủ tục, nản lòng và bỏ đi.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, trong môi trường nhiều rủi ro như hiện nay, điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất là sự ổn định, minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp đến là tạo được hệ sinh thái cho doanh nghiệp kết nối, phát triển, chứ không chỉ là các biện pháp hỗ trợ về tiền bạc, thuế, ưu đãi. Do đó, các chính sách ưu đãi không phải là duy nhất và quan trọng nhất để thu hút nhà đầu tư. Nếu môi trường đầu tư thuận lợi, nhà đầu tư có thể tạo ra nhiều tiền bạc, lợi nhuận mà không cần đến ưu đãi. Còn thủ tục chậm trễ, không có hệ sinh thái, thì dù có ưu đãi nhiều nhà đầu tư vẫn không mặn mà.
Cũng theo ông Lộc, cần phát động cuộc cải cách lần 2 cho kinh tế Việt Nam. Nếu như lần cải cách, mở cửa hơn 30 năm trước là để thoát nghèo, thì lần cải cách này là để trở nên giàu có. Mục tiêu này khó hơn nhiều nhưng không phải là không thực hiện được. Theo ông, cần phải đưa tinh thần cải cách, đổi mới như trước đây quay trở lại và TP. HCM vẫn là người đi đầu trong công cuộc đổi mới.
Theo ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu. Nguồn tài chính của quỹ ngoài nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, còn có phần đóng góp từ ngân sách nhà nước và các nguồn ngoài ngân sách, như thu từ khoản lãi tiền gửi, các khoản đóng góp tự nguyện…
Tại hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định, tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.