Giải pháp “cởi trói” cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Sau 1 năm triển khai, tính đến hết quý I/2024, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân khoảng 0,5%. Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện mới có thêm TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Nhà ở xã hội là phân khúc bất động sản có nhu cầu rất lớn nhưng việc phát triển đang gặp nhiều khó khăn. Báo cáo quý I của Bộ Xây dựng cho biết, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, việc giải ngân gói 120.000 tỷ chậm là do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, nhiều địa phương đã có dự án tuy nhiên chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục đáp ứng điều kiện vay vốn; lãi suất gói 120.000 tỷ còn cao, thời gian cho vay ngắn hạn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp hoặc người dân vay vốn.
Bộ cũng cho biết nguyên nhân nguồn cung hạn chế chính là do thiếu quỹ đất, vướng mắc trong thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, thiếu nguồn vốn ưu đãi, cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp và thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài...
Tại talkshow mới đây, ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc CTCP G-Home thẳng thắn bày tỏ: "Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tôi không tin nó sẽ thành công. Lý do bởi bản chất chính sách này khác với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ở giai đoạn trước. Gói 30.000 tỷ đồng giúp hỗ trợ lãi suất từ việc Ngân hàng Nhà nước rót vốn vào các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, gói 120.000 tỷ đồng là kêu gọi các ngân hàng giảm 1 - 2 % so với lãi vay thông thường".
Theo ông Nam, với tính chất kêu gọi này, nếu không may xảy ra nợ xấu, đâu sẽ là nguồn bù lỗ cho phía ngân hàng? Vấn đề quan trọng là làm sao để có nguồn tiền hỗ trợ lãi suất thì chính sách mới thành công, còn không chỉ là chính sách nằm trên giấy. Nếu không có nguồn tiền hỗ trợ giảm lãi suất, chính sách cho vay của gói tín dụng này không khác nhiều so với cho vay thương mại thông thường.
"Đừng nên đi kêu gọi lòng tốt của các ông chủ ngân hàng hay các chủ đầu tư. Thay vào đó, nên có giải pháp tài chính thật sự bền vững thì mới giúp thị trường phát triển lâu dài", ông Nam nói.
Tại cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội, sáng 27/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội; làm rõ các tiêu chí về nhà ở xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư dự án nhà ở xã hội; hình thành cơ chế hậu kiểm trong thanh tra, kiểm tra các dự án nhà ở xã hội; bổ sung chế định chuyển đổi quỹ đất hoặc dự án nhà tái định cư sang làm nhà ở xã hội…