Gỡ nút thắt trong đền bù giải phóng mặt bằng tại Hà Nội
Từ năm 2016 - 2020, thành phố Hà Nội có 52 dự án trọng điểm, trong đó có 36 dự án liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị. Nhìn chung các dự án liên quan đến phát triển hạ tầng đô thị đều vướng giải phóng mặt bằng, gây chậm và nguy cơ chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.
Đơn cử như quận Bắc Từ Liêm tính đến tháng 10/2018 có 10 dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn, liên quan tới hàng nghìn hộ dân. Bên cạnh những hộ gia đình chấp hành tốt các quy định của Nhà nước và thành phố về giải phóng mặt bằng, giành đất ở, đất canh tác cho dự án thì còn một số hộ dân ở Bắc Từ Liêm vẫn chưa đồng thuận với chính sách giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ hoàn thành dự án.
Theo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn, nguyên nhân một số hộ dân chưa đồng thuận giải phóng mặt bằng do họ cho rằng giá đền bù không thỏa đáng; diện tích nhà tái định cư nhỏ; muốn đền bù tái định cư bằng đất ở...
Nói về diện tích nhà tái định cư cho các hộ dân dành đất cho công trình, ông Nguyễn Chí Dũng Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, diện tích nhà tái định cư được triển khai theo đúng hướng dẫn của cấp có thẩm quyền với nhiều mức diện tích khác nhau nhằm phù hợp với nhiều đối tượng giải phóng mặt bằng. Còn về quỹ nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng thành phố đã bố trí đủ cho các dự án.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cho biết, đảm bảo nguồn vốn cho các dự án cũng như công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cần tập trung đền bù giải phóng mặt bằng để thực hiện giải ngân cho các dự án theo đúng kế hoạch.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, dự án trọng điểm có vai trò quan trọng với thành phố, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Việc giải phóng mặt bằng sớm hoàn thành sẽ giúp dự án thực hiện xây dựng đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, người dân được hưởng lợi từ dự án.
Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa được như mong muốn, trước thực tế này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở ngành liên quan, phối hợp với quận, huyện và doanh nghiệp xem xét các tồn tại vướng mắc trong cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng để cùng nhau tháo gỡ nút thắt hành chính trong đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
"Chúng ta có một ý chí chung, kiên quyết xử lý hành chính để thu hồi đất, đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện dự án, để dự án sớm đi vào sử dụng vì mục đích phục vụ cả cộng đồng chứ không phải chỉ để giúp Ban quản lý dự án hoàn thành nhiệm vụ", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Trước đó, để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, bất cập, đồng thời định hướng thực hiện nguồn vốn trung hạn; kịp thời báo cáo với Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công, cuối tháng 4 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Phó Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội cần xác định giải ngân nguồn vốn đầu tư trung hạn là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, phải có sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo thành phố, các sở ngành, đơn vị quản lý dự án.
Thời gian tới, thành phố tập trung giải quyết tốt công tác giải phóng mặt bằng của những dự án đã và đang triển khai. Theo đó, những cán bộ được giao nhiệm vụ triển khai công tác giải phóng mặt bằng vận dụng linh hoạt, cơ chế chính sách, quyết đoán hơn trong công việc, kịp thời tháo gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư trung hạn.
Theo Mạnh Khánh/ Báo Tin tức (TTXVN)