Góc nhìn phân tích Becamex IDC (BCM) vay nợ và bán dự án để huy động vốn
Tính đến cuối năm 2022, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC – mã CK: BCM) vẫn còn nợ 10.177 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng nợ vay. Trong bối cảnh đó, BCM vẫn tiếp tục huy động vốn bằng việc bán dự án và vay nợ.
Trái phiếu chiếm phần lớn tổng nợ vay của BCM
Trong quý IV năm 2022, mảng bất động sản của BCM gần như “sụp đổ” đã kéo lợi nhuận của doanh nghiệp chỉ vỏn vẹn 7 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính của BCM cho thấy, riêng trong quý IV/2022, doanh thu thuần của BCM đạt 879 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng đầu tư bất động sản giảm đáng kể lên đến 91% chỉ đạt 232 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ đạt hơn 2.600 tỷ đồng).
Với doanh thu thấp, lợi nhuận gộp cũng chỉ đạt 305 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, đóng góp lớn nhất trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất là phần lãi 1.145 tỷ đồng đến từ công ty liên doanh, liên kết. Hiện tại, giá trị đầu tư của tổng công ty vào các công ty liên doanh, liên kết trị giá 15.250 tỷ đồng, tương đương tỷ suất sinh lời 7,5%.
Với khoản lỗ khác tới 52 tỷ đồng cộng với việc chi phí bán hàng tăng 75% (đạt 304 tỷ đồng) chi phí tài chính và chi phí quản lý neo ở mức rất cao (lần lượt đạt 253 tỷ đồng và 239 tỷ đồng) đã khiến lợi nhuận của BCM bị bào mòn dữ dội.
Kết quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của BCM chỉ đạt 21 tỷ đồng, giảm 96%; lợi nhuận sau thuế chỉ 7 tỷ đồng, giảm 98% so với năm trước. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất kể từ sau quý II/2017 tới nay.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của BCM đạt 6.507 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 2.761 tỷ đồng, giảm 14%; biên lợi nhuận gộp đạt 42,4%, giảm 3,7 điểm %. Theo đó, BCM báo lợi nhuận trước thuế 1.876 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 1.724 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.
Tại thời điểm 31/12/2022, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.837 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm; nợ phải trả ở mức 30.682 tỷ đồng, giảm 3,8%. Như vậy, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,72 lần, đồng nghĩa nhiều tài sản của tổng công ty được tài trợ từ nguồn vốn vay. Becamex IDC đang vay nợ 15.886 tỷ đồng, trong đó 5.710 tỷ đồng từ ngân hàng và cá nhân; 10.177 tỷ đồng là trái phiếu doanh nghiệp.
Với các khoản vay ngân hàng, Becamex IDC đang vay 2.646 tỷ đồng từ BIDV, 1.149 tỷ đồng từ ACB, 600 tỷ đồng từ VietinBank, 751 tỷ đồng từ China Construction Bank Corporation…
Đáng chú ý, với các khoản vay trái phiếu, chủ nợ về trái phiếu của BCM tính đến cuối năm 2022 có thể kể đến như: Chứng khoán Navibank 3.225 tỷ đồng; Chứng khoán SmartInvest 1.070 tỷ đồng, BIDV 960 tỷ đồng, Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam 1.250 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt Nga 320 tỷ đồng, MB 300 tỷ đồng, BaoVietBank 300 tỷ đồng…
Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của BCM dương 725 tỷ đồng, do lợi nhuận rất lớn và giảm hàng tồn kho. Nhờ vậy, BCM giảm mạnh được quy mô dòng tiền vay/trả, đạt 5.580 tỷ đồng/6.402 tỷ đồng, giảm lần lượt 43% và giảm 9,5% so với năm trước.
Dù vậy, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn âm 1.764 tỷ đồng, nên tiền và tương đương tiền cuối năm chỉ còn 1.220 tỷ đồng, giảm 59% so với đầu năm.
Vừa quyết định mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
Cụ thể, Becamex vừa quyết định mua lại trái phiếu Becamex IDC riêng lẻ mã BM1908800001. Theo đó, BCM dự kiến mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trong ngày 29/3. Nguồn dùng để mua lại trái phiếu từ dòng tiền hoạt động kinh doanh, cổ tức, lợi nhuận được chia và các nguồn thu hợp pháp khác.
Liên tục vay vốn và bán dự án ở Bình Dương
Trong bối cảnh BCM vừa quyết định mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu thì doanh nghiệp cũng vừa có 2 quyết định huy động vốn trong tháng 3 bằng việc vay từ một đơn vị khác và bán một phần dự án ở Bình Dương.
Cụ thể, ngày 17/3 vừa qua, BCM đã vay vốn tạm thời nhàn rỗi của CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Đông Sài Gòn với số tiền 200 tỷ đồng trong thời hạn từ 6 đến 12 tháng. Lãi suất khoản vay này áp dụng bằng lãi vay kỳ hạn 11 tháng tại BIDV dành cho khách hàng doanh nghiệp, hiện là 9,2%/năm, trường hợp trả trước hạn thì lãi suất vẫn không đổi.
Trước đó, vào ngày 13/3, BCM cũng quyết định sẽ chuyển nhượng một phần dự án hơn 22.000 m2 tại khu dân cư Mỹ Phước 3, phường Thới Hòa, phường Chánh Phú Hòa, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho SetiaBecamex. Tổng giá trị chuyển nhượng hơn 222 tỷ đồng.
SetiaBecamex là công ty liên doanh giữa Becamex và Tập đoàn SP Setia Berhad của Malaysia. Hai bên đã hợp tác để phát triển dự án EcoLakes Mỹ Phước (Khu công nghiệp đô thị Mỹ Phước, Bình Dương). Dự án có diện tích 224 ha với vốn đầu tư hơn 800 triệu USD.
Được biết, tính đến ngày 31/12/2022, BCM đang sở hữu 40% vốn điều lệ CTCP SetiaBecamex. Cùng thời điểm trên, giá trị ghi nhận của khoản đầu tư này tại mục công ty liên doanh, liên kết hơn 334 tỷ đồng (tăng gần 15% so với đầu năm). Giá gốc khoản đầu tư này là 264 tỷ đồng.