Góc nhìn phân tích từ HAGL về một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 do Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam thực hiện. Theo đó, kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn trong đó đáng chú ý, HAGL đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.
Theo ý kiến của kiểm toán, Báo cáo tài chính hợp nhất đã được lập dựa trên cơ sở hoạt động liên tục, với giả định rằng Tập đoàn sẽ có thể sử dụng các tài sản và thanh toán các khoản nợ phải trả của Tập đoàn trong quá trinhd hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.
Tại ngày 31/12/2022, Tập đoàn có khoản lỗ lũy kế là 3.341 tỷ đồng và tại ngày này, nợ ngắn hạn của tập đoàn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.180 tỷ đồng. Ngoài ra, tại ngày này, Tập đoàn cũng đang vi phạm một số cam kết với hợp đồng vay và trái phiếu.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, HAGL đang vay nợ tổng cộng 8.165 tỷ đồng, trong đó, vay nợ trái phiếu thường đạt ngưỡng 5.739 tỷ đồng. Trong tổng số 5.739 tỷ đồng đó có 3.681 tỷ trái phiếu dài hạn 2.058 tỷ trái phiếu ngắn hạn phải trả trong vòng 1 năm.
Các lô trái phiếu này do BIDV và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) và công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) là các tổ chức thu xếp phát hành.
Theo thuyết minh, tại cuối tháng 12/2022, tập đoàn chưa thanh toán lãi vay phải trả đã đến hạn với trái chủ là Ngân hàng BIDV với tổng giá trị hơn 2.354 tỷ đồng. Công ty cho biết đang có kế hoạch thanh toán khoản vay đã đến hạn nói trên.
Bên cạnh dó, HAGL cũng chưa thanh toán khoản vay đến hạn liên quan đến khoản vay của Ngân hàng Eximbank vào tháng 8 và 9/2014 với tổng giá trị 279 tỷ đồng theo lịch cam kết với ngân hàng.
Những yếu tố này khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Trước ý kiến của kiểm toán viên, HAGL đã có công văn giải trình biến động kết quả hoạt động kinh doanh cùng với ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Theo đó, trong năm 2023, doanh thu từ bán trái cây và heo tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và đem lại nguồn tiền chính cho Tập đoàn. Tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, HAGL đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Công ty cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã vi phạm của các hợp đồng vay có liên quan. Theo đó, tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.
Dựa trên các cơ sở này, ban tổng giám đốc HAGL tiến hành lập báo cáo tài chính trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Còn về hoạt động kinh doanh, HAG giải trình, giá trị lợi nhuận gộp tăng 666,4 tỷ đồng là do lợi nhuận bán trái cây và bán heo trong năm 2022 tăng cao so với nhăm 2021; giá trị doanh thu hoạt động tài chính giảm 249 tỷ đồng là lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư giảm so với năm 2021.
Cùng với đó, chi phí tài chính tăng 558,8 tỷ đồng là do trong năm 2022, Tập đoàn đã trích dự phòng các khoản đầu tư vào Nhóm công ty HNG. Chi phí bán hàng tăng 122,6 tỷ đồng là do họa động mua bán trái cây và heo trong kỳ tăng cao.
Còn chi phí quản lý giảm 1.175,6 tỷ đồng là do năm 2022 Tập đoàn đã tăng hoàn nhập dự phòng liên quan đến các khoản công nợ phải thu.
Như vậy, kết thúc năm 2022, doanh thu thuần đã kiểm toán của HAGL đạt hơn 5.110 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021, nhờ các mảng kinh doanh đều cải thiện mạnh. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.125 tỷ đồng, gấp 8,8 lần cùng kỳ.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản đã kiểm toán của HAGL hơn 19.798 tỷ đồng, tăng gần 1.360 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn là 9.195 tỷ, chiếm 46% tổng tài sản.