Góc nhìn thực tiễn nguy cơ nhiều doanh nghiệp "nhảy nhóm nợ"

Để giải quyết được khó khăn trước mắt của thị trường bất động sản thì việc giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ là vấn đề cấp bách giúp các doanh nghiệp giãn nợ trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc giãn, hoãn nợ cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng về việc sẽ bị “nhảy nhóm nợ” đồng nghĩa với việc tiếp cận khoản vay mới từ ngân hàng gần như “đóng cửa”. Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ để không bị nhảy nhóm thành nợ xấu.

Nguy cơ nhảy nhóm nợ xấu

Trước những khó khăn kéo dài, nhóm ngành bất động sản đang phải gánh chịu hậu quả thiếu nguồn vốn trầm trọng trong khi khối tài sản nắm giữ với khối lượng lớn nhưng lại không bán được. Chưa kể, khó khăn pháp lý kéo dài khiến cho việc triển khai dự án bị đình trệ, phần lớn số vốn được chôn vùi ở các dự án chưa được tháo gỡ.

Nhiều doanh nghiệp phải tái cấu trúc, cắt giảm hàng loạt nhân sự, tái cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán, tăng chiết khấu hoặc tạm dừng, bán, triển khai các dự án … tập trung dòng tiền cho một vài dự án trọng điểm. Tuy nhiên, khó khăn vẫn cứ đeo bám nhóm doanh nghiệp này.

Góc nhìn thực tiễn nguy cơ nhiều doanh nghiệp "nhảy nhóm nợ" - Ảnh 1

Đỉnh điểm là liên tiếp các doanh nghiệp xin hoãn, khất nợ trái phiếu do không thu xếp được nguồn tiền thanh toán cho trái chủ. Năm 2023 - thời kỳ “đỉnh nợ” trái phiếu doanh nghiệp, một loạt doanh nghiệp bất động sản không thể trả nợ các lô trái phiếu tới kỳ đáo hạn nên phải “khất nợ” với nhà đầu tư, đồng thời lùi thời điểm thanh toán.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Điều đáng chú ý là, danh sách các doanh nghiệp chậm trả nợ đang dày lên khi có thêm nhiều doanh nghiệp công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán trái phiếu. Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm qua.

Trước những khó khăn đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với các khoản vay tín dụng/trái phiếu đến hạn có khả năng chuyển thành “nợ xấu” nếu không được gia hạn. Nhiều khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị chuyển sang sang nhóm “nợ xấu hơn”, doanh nghiệp khi đó dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn rất khó tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới.

Làn sóng doanh nghiệp bất động sản mất thanh khoản, không còn khả năng trả nợ đang lan rộng. Trong khi đây là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp tích cực nhất trong những năm trước và các ngân hàng đang nắm giữ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản bên cạnh các khoản vay kinh doanh bất động sản thông thường.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2023, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống nhưng khả năng chống chịu của từng ngân hàng sẽ tùy thuộc vào chất lượng tài sản và mức độ thận trọng của ban điều hành ngân hàng.

Nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự gia tăng nợ xấu và chi phí tín dụng trong vài quý tiếp theo do rủi ro từ vĩ mô thế giới, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản và những rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp.

Với tỷ trọng dư nợ bất động sản và xây dựng chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ của ngành, sự suy yếu của thị trường bất động sản không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng mà còn là những khoản nợ tiềm ẩn nguy cơ thành nợ xấu.

Dù các khoản vay chưa bị chuyển sang nợ xấu, song các doanh nghiệp vẫn lo lắng nếu tình hình không có gì chuyển biến, thì khả năng nhảy nhóm nợ rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, doanh nghiệp nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ.

Ông Lê Hoàng Châu cũng đã kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc để doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn được giữ nguyên nhóm nợ, được khoanh nợ xấu đối với một số khoản nợ nhóm 2, nhóm 3 để có thể được vay vốn tín dụng mới đối với dự án bất động sản có đầy đủ pháp lý, có tài sản bảo đảm, có tính khả thi, được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả lãi, trả nợ gốc.

Hệ lụy từ việc nhảy nhóm nợ xấu

Trước đề nghị được giữ nguyên nhóm nợ và khoanh nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cho biết, chưa thể đáp ứng bởi lo ngại cho sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho biết, nếu chuyển nhóm nợ, doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao hơn hoặc không thể tiếp tục vay vốn theo quy định. Riêng các ngân hàng cũng không mong doanh nghiệp chuyển nhóm nợ, bởi họ phải trích lập dự phòng rủi ro cao, lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, dù giữ nguyên nhóm nợ là có lợi cho cả doanh nghiệp và ngân hàng, nhưng sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề khi doanh nghiệp vẫn phải thanh toán nợ trong tương lai và tình trạng nợ xấu dai dẳng sẽ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng.  
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng.  

Ông Hiếu cũng cho biết thêm: "Rủi ro khi giữ nguyên nhóm nợ tôi đã cảnh báo từ năm 2020, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ trong dịch Covid-19. Mặc dù các doanh nghiệp đang ở trong tình thế cấp bách, nhưng chúng ta phải thấy, có tới 95% doanh nghiệp được cơ cấu nợ sau 3 - 5 năm vẫn không cải thiện. Nếu cơ cấu nợ mà doanh nghiệp vẫn không thể phục hồi thì nên xử lý theo quy trình tái cơ cấu, để doanh nghiệp lẫn ngân hàng chủ động biện pháp xử lý, trích lập dự phòng rủi ro ngay từ đầu. Nếu không thì cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều mất cảnh giác trong khi bản chất các khoản nợ xấu vẫn còn đó".

Đối với các khoản nợ trái phiếu, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nếu doanh nghiệp không thể thanh toán sẽ đi vào trạng thái vỡ nợ, chứ không được xử lý theo 5 nhóm nợ tín dụng thông thường. Trong trường hợp muốn thu hồi nợ, các ngân hàng chỉ còn cách mở thủ tục phá sản. Sau đó, ngân hàng có thể chuyển từ nợ trái phiếu sang nợ bình thường để đi vào xử lý như các nhóm nợ.

Về phía ngân hàng cũng thừa nhận, nếu không có biện pháp hỗ trợ, nợ xấu bất động sản sẽ phình to.

"Doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ đối mặt với khoản nợ ngân hàng đáo hạn, mà còn áp lực lớn đối với khoản trái phiếu phát hành sắp đáo hạn, trong khi nguồn thu và dòng tiền bị chững lại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, các doanh nghiệp này sẽ không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng lẫn trái chủ", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank phân tích và cho rằng, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ có thể là biện pháp nên xem xét trong bối cảnh hiện nay.

Thế nhưng, tái cơ cấu nợ không chính xác, nợ xấu sẽ dồn về tương lai - đây là điều mà lãnh đạo các ngân hàng quan ngại. "Việc cơ cấu nợ phải được triển khai một cách rất thận trọng, chính xác để đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Bởi, nếu dồn nợ xấu về sau, thì sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế", ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thùy Dương, Trưởng khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, trước kỳ vọng chưa hạ chuẩn phân loại nợ vào nợ xấu cho các doanh nghiệp vẫn đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện cho vay, bà Dương cho rằng, ngân hàng là một doanh nghiệp, phải thực hiện đầy đủ quy định về quản lý rủi ro. Các khoản vay dự án chủ yếu là trung dài hạn trong khi nguồn huy động là ngắn hạn, vì vậy các ngân hàng phải thực hiện các quy định quản lý rủi ro tín dụng đảm bảo an toàn hệ thống như thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng theo quy định.

"Việc thực hiện các công cụ kiểm soát rủi ro là để đảm bảo công bằng với các món vay và lĩnh vực vay vốn của ngân hàng. Theo nguyên tắc, việc thực hiện chưa hạ chuẩn cần phải cân nhắc vì điều đó không đảm bảo nguyên tắc công bằng trên thị trường, gây ảnh hưởng mức độ rủi ro của các ngân hàng thương mại và các yêu cầu quản trị rủi ro theo Hiệp ước Basel II. Doanh nghiệp vẫn buộc phải tái cấu trúc tài chính và sàng lọc các dự án tốt, đưa cung về gần với cầu thị trường.

Bà Dương cũng cho rằng, bên cạnh đó, các khoản vay đều phải đáp ứng các điều kiện cấp tín dụng, dự án đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, hướng tới thị phần thực sự có nhu cầu và nhu cầu lớn nhưng còn hạn chế nguồn cung như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cộng với việc các doanh nghiệp có khả năng quản lý dòng tiền tốt, chứng minh được năng lực tài chính và đảm bảo cấu trúc tài chính hợp lý.

Minh Anh

Theo Kinh doanh và Phát triển