Hà Nội đề xuất quy định diện tích tách thửa phải đạt tối thiếu 50 m2
Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất đưa ra đề xuất tách thửa đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu 50 m2 trong trường hợp không hình thành lối đi mới tại phường, thị trấn.
Dự thảo nhằm cụ thể hóa các điều khoản của Luật Đất đai 2024, xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, giúp quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô.
Bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất, thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, người dân về dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo dự thảo, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2; tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m2. Đối với trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên đối với thị trấn, 4m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.
Về đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400m2. Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000m2. Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800m2 và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000m2.
Còn điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp, quy định này áp dụng cho đất không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định số 64-CP (ngày 27-9-1993) của Chính phủ về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nằm ngoài phạm vi khu vực dồn điền, đổi thửa.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết các quy định phân lô, tách thửa đất, ngoài tuân thủ tiêu chí về diện tích, hạ tầng kỹ thuật, còn phải cân nhắc kỹ lượng về quy hoạch đô thị và không gian sống, tránh tình trạng quá tải, gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Việc tách thửa đất cũng cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững về lâu dài, tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Điều này để đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển thành phố văn minh, hiện đại, chú trọng duy trì các giá trị văn hóa và lịch sử của Thủ đô.
Theo Sở, dự thảo quy định của thành phố bám sát Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8. Điều 220 của luật trên nêu các điều kiện mới để người dân có thể tách, hợp thửa đất như đảm bảo đất không tranh chấp, có lối đi, kết nối giao thông công cộng, cấp, thoát nước hợp lý. Các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Nếu thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn mức tối thiểu thì phải đồng thời hợp thửa với mảnh đất liền kề.
Hầu hết các ý kiến của người dân và các địa phương đồng tình với quy định mới về tách thửa, song kiến nghị thành phố Hà Nội điều chỉnh diện tích đất ở tối thiểu khi tách thửa tại khu vực miền núi.
Theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì Nguyễn Tiến Tha, với các quy định cụ thể về chia tách thửa và hợp thửa như dự thảo của thành phố, các xã miền núi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu phải chuyển mục đích sử dụng đất để bảo đảm các điều kiện về chia tách thửa, số tiền nộp theo quy định của Luật Đất đai 2024 là quá lớn, nhiều người dân không có điều kiện kinh tế để nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi chia tách thửa.
Những ý kiến, kiến nghị của người dân và các địa phương là cơ sở quan trọng để thành phố Hà Nội hoàn thiện dự thảo quy định về tách thửa, hợp thửa đất. Việc tiếp thu và điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp với thực tiễn sẽ giúp Hà Nội không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân trong việc sử dụng đất.