Hà Nội lên kế hoạch bán đấu giá nhà tái định cư bỏ hoang

Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội cho biết, đã đề xuất UBND Thành phố phương án bán đấu giá thu hồi vốn đối với lượng nhà tái định cư hiện đang bỏ hoang.

 

Khu căn hộ tái định cư bỏ hoang tại quận Long Biên, Hà Nội
Khu căn hộ tái định cư bỏ hoang tại quận Long Biên, Hà Nội

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn có 9 dự án tái định cư (TĐC) với quy mô gần 2.500 căn. Trong đó, 2 dự án xây dựng nhà ở TĐC tại ô đất NO15,16 phường Thượng Thanh (quận Long Biên) và dự án xây dựng nhà B,C khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đã hoàn thành nghiệm thu, chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bố trí tái định cư.

7 dự án đang thi công xây dựng như: Dự án khu nhà ở di dân GPMB tại ô đất CT4 khu TĐC tập trung Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm); dự án xây dựng nhà ở GPMB tại nhà N01 lô đất D17 tại khu đô thị mới Cầu Giấy; dự án xây dựng nhà ở GPMB ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai); dự án xây dựng nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III (nhà CT1, CT2, CT3) quận Hoàng Mai; dự án xây dựng khu nhà ở TĐC phường Xuân La, quận Tây Hồ (nhà B); dự án xây dựng nhà CT1, CT2, khu TĐC Xuân La; dự án xây dựng nhà A,B,C,D khu tái định cư tại phường Trần Phú. Toàn bộ quỹ nhà tại các dự án này đã được thành phố bố trí TĐC phục vụ cho các dự án cần GPMB trên địa bàn thành phố, nhất là các dự án trọng điểm. Theo Sở Xây dựng, các dự án TĐC chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng do một số tồn tại, vướng mắc.

Như việc các căn hộ đã được bố trí cho các dự án có GPMB để công khai lập phương án và phê duyệt phương án. Tuy nhiên, do tiến độ các dự án có giải phóng mặt bằng bị chậm hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện, điều tra, khảo sát, các chủ đầu tư có dự án GPMB chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà. Các dự án được thiết kế thi công theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đây, nay do thay đổi quy định về phòng cháy chữa cháy nên chưa đủ điều kiện để nghiệm thu.

Hay các dự án đã có quyết định thành lập cơ sở cách ly, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19, chủ đầu tư đã hoàn thành các hạng mục công trình để phục vụ công tác phòng chống dịch và bàn giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô. Đến nay chưa được bàn giao lại cho chủ đầu tư để tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại nghiệm thu đủ điều kiện đưa vào sử dụng để bố trí cho các hộ dân TĐC theo quy định...

Để sớm đưa các dự án nhà TĐC vào hoạt động, khai thác hiệu quả, Sở Xây dựng cho biết, Sở đã báo cáo, đề xuất UBND Thành phố một số giải pháp. Trong đó, đề nghị UBND cấp huyện nơi có dự án, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các thủ tục như điều chỉnh dự án, bố trí vốn, tiếp nhận bàn giao sau khi sử dụng cơ sở thu dung điều trị Covid-19… để hoàn thành thi công xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng chậm nhất trong quý IV/2024.

Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo TĐC tại các dự án GPMB trên địa bàn thành phố. Các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũ nhận tiền để tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay cho việc thành phố phải bố trí chỗ ở tạm thời…

Đáng chú ý, đối với quỹ nhà TĐC nếu sau khi đã bố trí TĐC cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn căn hộ không sử dụng hoặc sử dụng không hết, thì đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn. Đối với 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, thành phố đã giao Trung tâm quản lý nhà Thành phố Hà Nội do Sở Xây dựng quản lý, bán nhà TĐC theo quy định.

Trước tình trạng nguồn cung mới các sản phẩm nhà ở trên thị trường thời gian gần đây bị thiết hút trầm trọng, nhưng lại có đến hàng nghìn căn hộ chung cư TĐC bị bỏ hoang đang trở thành vấn đề “nóng” và gây bức xúc trong dư luận. Chuyển đổi công năng sử dụng và đưa ra bán đấu giá nhằm sớm thu hồi ngân sách cho Nhà nước là giải pháp được nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, từ thực trạng trên trong thời gian tới trước khi tiến hành đầu tư xây dựng các dự án chung cư TĐC, thì phía cơ quan quản lý cần làm tốt hơn nữa công tác tham vấn cộng đồng dân cư. Cùng với đó, vấn đề về đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng công trình và việc lựa chọn vị trí xây dựng đảm bảo dự án có sự kết nối hạ tầng dịch vụ, tiện ích... cũng cần phải được nghiên cứu kỹ, tránh trường hợp rơi vào “vết xe đổ” như đã xảy ra.

Cẩm Tú

Theo Chất lượng và cuộc sống