Hà Nội: Nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung
TP. Hà Nội đã giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 301,64ha đất.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của UBND TP. Hà Nội về việc tháo gỡ các khó khăn trong xây dựng, thực hiện thí điểm xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung và Đề án cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, thành phố chọn thí điểm một số công trình, dự án, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định và giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của TP. Hà Nội trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan.
Ngày 09/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Ngày 31/12/2020, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ số 63/TTr-BXD về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở xã hội độc lập (không phân biệt quy mô sử dụng đất) như:
Bổ sung quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lấy ý kiến thẩm định để chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hướng đồng bộ pháp luật đầu tư và pháp luật nhà ở.
Bổ sung khái niệm “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” để tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho các nội dung hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, xác định ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng: (i) Cho phép dự án nhà ở xã hội loại hình chung cư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất để đảm bảo thống nhất với pháp luật về quy hoạch và tính khả thi; (ii) Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% tổng diện tích đất ở đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm cả dự án sử dụng quỹ đất 20%) để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư;
(iii) Cho phép khấu trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương; bổ sung quy định ưu đãi đối với trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực...
Sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở đồng bộ với pháp luật về đấu thầu, đầu tư, nhà ở.
Trong năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ tích cực phối hợp với UBND TP. Hà Nội trong việc nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội độc lập, trong đó có dự án nhà ở xã hội độc lập có quy mô lớn (từ 50ha trở lên) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định chi tiết Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2021.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho hay, có ba khó khăn lớn trong cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ. Thứ nhất là quy hoạch hạn chế chiều cao, mật độ các công trình nội đô, nguồn lực trong việc tái định cư cho người dân. Cuối cùng là việc sở hữu chồng chéo của người dân tại các chung cư cũ. Vị này nhận định, đây là việc rất phức tạp, dẫn đến bất đồng trong bàn giao chủ sở hữu.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cho biết đang nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến trình Chính phủ ban hành vào quý II/2021. Vì vậy, các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư của TP. Hà Nội nêu trong Đề án, Bộ Xây dựng ghi nhận để tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP.
Trước đó, đầu năm 2021, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2020, Sở đã chủ trì xây dựng dự thảo Đề án "Cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP. Hà Nội", lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng và đang tiếp tục hoàn chỉnh Đề án theo góp ý của Bộ Xây dựng và tham mưu, báo cáo UBND TP. Hà Nội.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ còn chậm. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 là sẽ tập trung hoàn thiện triển khai thực hiện thí điểm 5 khu chung cư cũ, hoàn chỉnh nội dung Đề án Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Đôn đốc UBND các quận huyện, thị xã di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyêt quy hoạch chi tiết 1/500; rà soát thực hiện kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ phải cải tạo xây dựng lại./.