Hà Nội yêu cầu siết chặt công tác quản lý, vận hành chung cư

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành chung cư trên địa bàn Thành phố.

Cụ thể, tại văn bản số 5373/UBND-SXD, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện cần thực hiện nghiêm những quy định liên quan đến nhà chung cư hiện có.

Song song đó, các đơn vị liên quan cũng được yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác quản lý, vận hành nhà chung cư.

Theo đó, Công an TP. Hà Nội cần đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với khu chung cư, nhà cao tầng như xây dựng nội dung tuyên truyền hướng dẫn; tổ chức tập huấn, huấn luyện PCCC; xây dựng phương án PCCC với những tòa nhà không thể khắc phục do liên quan đến kiến trúc, kết cấu.  

Đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong việc không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ quỹ cho Ban quản trị nhà chung cư, Công an TP. Hà Nội cần xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội yêu cầu siết chặt công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. (Ảnh: Internet)  
Hà Nội yêu cầu siết chặt công tác quản lý, vận hành nhà chung cư. (Ảnh: Internet)  
UBND Hà Nội yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp nhằm phát hiện việc sử dụng căn hộ nhà chung cư vào các mục đích khác không phải để ở. Nếu có, cần yêu cầu hoặc áp dụng biện pháp cần thiết như buộc doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chấm dứt việc sử dụng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cần yêu cầu các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư  phải khắc phục xong vi phạm theo quy định của pháp luật trước khi được đề xuất đầu tư tham gia đấu thầu, đấu giá các dự án có sử dụng đất để phát triển nhà ở mới trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời cũng cần công khai Danh sách các chủ đầu tư không chấp hành quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do UBND các quận, huyện cung cấp và danh sách các nhà đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng trong đầu tư, quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư chưa khắc phục xong vi phạm.

Đối với Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng yêu cầu Sở cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư do UBND các quận, huyện cung cấp.

Bên cạnh đó, đối với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND TP. Hà Nội yêu cầu cần kiểm tra định kỳ đối với các nhà chung cư để chủ động xác định những vấn đề còn tồn tại liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng; từ đó giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các tranh chấp, bất đồng hoặc có biện pháp xử lý phù hợp, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, gây mất trật tự công cộng.

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, tổng hợp, cung cấp danh sách những chủ đầu tư không chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, gửi các sở ngành để tổ chức công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu liên quan tới việc xử lý các chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo số liệu đến năm 2019, cả nước có khoảng 4.422 nhà chung cư.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà  
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà  
Trong đó, hơn 90% số chung cư được quản lý vận hành an toàn, ổn định; gần 10% có tranh chấp và vấn đề tồn tại liên quan tới việc chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm thành lập ban quản trị; chậm bàn giao phí bảo trì và tranh chấp sở hữu chung - riêng; tranh chấp về một số vấn đề khác nhu thu chi tài chính, quy chế hoạt động của ban quản trị, giá dịch vụ, đơn vị vận hành, chất lượng công trình…

Nguyên nhân được xác định là do một số quy định pháp lý về quản lý và sử dụng nhà chung cư còn chưa thật đầy đủ, rõ ràng; một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án và chưa quan tâm đến dịch vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định... Ngoài ra còn có tình trạng buông lỏng quản lý Nhà nước về chung cư.

Trước tình trạng này, nhiều giải pháp đã được các cơ quan chức năng, sở ngành địa phương đưa ra, giúp tình trạng tranh chấp nhà chung cư phần nào thuyên giảm. Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ tiếp tục sửa đổi Nghị định 99 về hướng dẫn Luật Nhà ở để bổ sung, sửa đổi các quy định về nhà chung cư, nhất là về kinh phí bảo trì nhà chung cư sao cho rõ hơn về mức thu, phương thức thu, quản lý sử dụng kinh phí cũng như mô hình quản trị nhà chung cư.

Ông Phạm Hồng Hà nhấn mạnh: "Quan điểm là chúng tôi rất ủng hộ địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra và chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm quy định về quản lý và sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư"./.

Nam Phương

Theo Reatimes