Hai bệnh viện quy mô bậc nhất miền Bắc sẽ hoàn thành trong năm 2024 sau gần 10 năm ‘bỏ hoang’
Hai bệnh viện là Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam thời gian qua vướng mắc phải một số khó khăn khiến dự án bị chậm tiến độ.
Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được được kỳ vọng là bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay. Đây cũng là những bệnh viện đầu tiên của nước ta được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Về quy mô đầu tư cơ sở 2 của hai dự án, Bệnh viện Bạch Mai sẽ có 1.000 giường bệnh với tổng diện tích mặt sàn là 118.941m2, tổng vốn đầu tư là 4.990 tỷ đồng. Bệnh viện Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng 117.714m2 sàn với vốn đầu tư là 4.968 tỷ đồng.
Hai dự án được khởi công từ đầu năm 2015 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào 31/12/2020. Tuy nhiên, do gặp phải khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên từ giữa năm 2020, cả hai đều bị đình hoãn chưa triển khai được.
Vừa qua, ông Nguyễn Anh Tú - Phó Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế (Bộ Y tế) đã trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về quá trình triển khai hai dự án này. Về tiến độ, ông Tú cho biết, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 có khối lượng thi công xây lắp và thiết bị gắn với công trình ước tính đạt 2.795 tỷ đồng/2.855 tỷ đồng giá trị hợp đồng đã kí (đạt khoảng 97,8% giá trị hợp đồng). Tổng giá trị đã giải ngân là 2.575 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng, đạt khoảng 57,2% tổng nguồn vốn được giao.
Với dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, hiện có khối lượng thi công xây lắp và thiết bị gắn với công trình ước tính đạt 2.470 tỷ đồng/2.862 tỷ đồng giá trị hợp đồng đã kí (đạt khoảng 86,3% giá trị hợp đồng). Tổng giá trị đã giải ngân là 2.507 tỷ đồng/4.500 tỷ đồng, đạt 55,7% tổng nguồn vốn được giao.
Phó Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế thông tin thêm, các bên đang nỗ lực để 2 dự án hoàn thành nhanh nhất trong năm 2024.
Về nguyên nhân dự án chậm trễ, ông Tú cho biết có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, vấn đề dịch bệnh, xung đột trên thế giới làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu; thời gian thiết kế và công tác chuẩn bị dự án ngắn, phải nhiều lần điều chỉnh; công tác thẩm định, phê duyệt bị kéo dài.
Về nguyên nhân chủ quan, việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu chưa chi tiết khối lượng xây dựng; cách tính diện tích sàn trong hồ sơ thiết kế cơ sở của tư vấn chưa phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam; dự án chậm điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư;...
Hiện, Bộ Y tế đang nghiên cứu văn bản của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn hoàn thiện thủ tục pháp lí dự án và điều chỉnh hợp đồng các gói thầu của 2 dự án để thực hiện, đôn đốc các nhà thầu sớm triển khai thi công; tổng hợp những nội dung vượt thẩm quyền làm cơ sở tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo.