Hai ngân hàng đầu tiên báo lãi năm 2022

Các ngân hàng bắt đầu hé lộ con số lợi nhuận năm 2022 với mức tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và Nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 sáng 9/1, lãnh đạo Vietcombank cho biết trong năm 2022 ngân hàng đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng, đạt 119% kế hoạch năm 2022. NIM đạt 3,51%, tăng 0,24 điểm % so với 2021. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,84% và 24,25%.

Trong đó, thu nhập ngoài lãi của Vietcombank tăng 9,2% so với năm 2021, hoàn thành 108,7% kế hoạch năm 2022; Thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng 31,7% so với năm 2021, hoàn thành 124% kế hoạch năm 2022; Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.393 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch năm.

Trong năm, tín dụng tăng trưởng vượt mốc 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2021. Tín dụng bán buôn tăng trưởng 18,5%; Tín dụng bán lẻ tăng trưởng ở mức 19,4% so với năm 2021.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát, tổng số dư nợ xấu là 7.662 tỷ đồng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,67%, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 35.603 tỷ đồng; Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (khoảng 465%).

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Trong năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt 9% so với năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến 12,8%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một TCTD yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023. Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.

Báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 của Vietcombank đạt 17% nhờ tham gia mua lại và tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém và sức khoẻ tài chính nội tại của ngân hàng.

Theo Yuanta, Vietcombank đang chuyển dần mô hình tập trung nhiều hơn cho vay bán lẻ, điều này có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận cho ngân hàng. Cùng với đó, các chuyên gia cũng cho rằng động lực tăng trưởng chính lợi nhuận năm 2023 của ngân hàng là giảm trích lập dự phòng.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2022, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, đạt mục tiêu kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021). Kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.

Được biết, năm 2022, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế dự kiến đạt 19.451 tỷ đồng, tăng 15% so với con số năm 2021 là 16.860 tỷ đồng. Như vậy, ngân hàng này cũng vượt kế hoạch đề ra.

Nguồn: Internet.
Nguồn: Internet.

Theo báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh 2 điểm % lãi suất điều hành sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng khi chi phí vốn tăng và lãi suất cho vay khó có thể theo kịp.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các ngân hàng. Ngoài ra, câu chuyện tăng vốn sẽ lại là một chủ đề đáng chú ý trong năm tới, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh.

Nhìn chung, tăng trưởng lợi nhuận của ngành dự báo sẽ giảm tốc và đạt 10-11% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ của năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

 

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ